Trang chủ >> Hoạt động Hội

Chương trình Quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019- 2030: 4 dự án thành phần với nhiều mục tiêu cụ thể

Cập nhật lúc : 09:15 | 25/06/2018

 
Giảm từ 8% - 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, giảm tối thiểu 8% suất tiêu hao năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng và đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong khối DNNVV trong giai đoạn 2019-2030.  
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Tổng Thư ký, Phó Chú tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo xây dựng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) giai đoạn 2019-2030 dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng.  
Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội thảo Xây dựng Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 22/6/2018 tại Hà Nội, cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015 đã đạt được mục tiêu tiết kiệm được 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 - 2010, tương đương với 4,5 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và tiết kiệm được 5,65% trong giai đoạn 2011-2015, tương đương với 11,261 triệu TOE.  
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững.
Một trong những kết quả thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015 là đã giúp xây dựng, thể chế hóa chính sách của Nhà nước về thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bằng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật đã được Quốc hội khóa 12 thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2011. Hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc triển khai thực hiện Luật cũng đã được xây dựng và kiện toàn, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình, hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Nhằm tiếp nối các kết quả thành công đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thời gian qua, đồng thời đưa ra một kế hoạch và chiến lược dài hạn với định hướng rõ ràng cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030”. Chương trình đặt mục tiêu trong giai đoạn 2019-2030 sẽ tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, tương đương 50-60 triệu TOE; giảm tối thiểu 8% suất tiêu hao năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng như thép, xi măng, dệt, công nghiệp điện lực, ngành nhựa, sản xuất bia, rượu, thuốc lá, hóa chất, giấy và bột giấy… Đồng thời, sẽ xây dựng các cơ chế nhằm khuyến khích và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và biến đổi khí hậu (Bộ Công thương) cho biết, dự kiến trong chương trình, Bộ Công thương cũng sẽ mạnh dạn đưa vào những đề xuất về cơ chế khuyến khích đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như là đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp cho các ngành nghề kinh tế trong các lĩnh vực khác nhau để nâng cao được hiệu quả sử dụng năng lượng. Một trong những cơ chế đó có thể là thiết lập các quỹ để thúc đẩy TKNL cho các doanh  nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cơ chế để thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng (ESCO). Thông qua đó chúng ta sẽ dần hướng tới việc xây dựng một thị trường TKNL bền vững và vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ chế này sẽ không làm tăng thêm chi tiêu công mà mục tiêu là làm sao thu hút được nhiều hơn sự tham gia của các khu vực tư nhân và nước ngoài, tăng cường hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực TKNL). 
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho biết, dự báo trong 15 năm tới (2016-2030), GDP của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng trung bình 8,7% - là mức tăng rất nhanh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc tìm kiếm các giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng và cấp bách. Qua khảo sát và tính toán cho thấy Việt nam còn nhiều cơ hội để TKNL tại tất cả các lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ cho tới từng hộ gia đình. 
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2019-2030 cho thấy rõ sự cần thiết của nó, bởi Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng khí phát thải nhà kính từ năm 2021-2030 so với kịch bản cơ sở và mức cắt giảm này có thể đạt có thể đạt tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ của quốc tế (Báo cáo NDC được chính phủ phê duyệt 04/2016). Hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ đóng vai trò chủ đạo trong kịch bản giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2019-2030 sẽ hỗ trợ các địa phương thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình TKNL trên phạm vi toàn quốc. Góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; Tăng tính thực thi Luật sử dụng năng lượng TK&HQ và khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về TKNL (VNEEP 1 và VNEEP 2 được thực hiện trong giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015). Đồng thời giúp thiết lập các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư thực hiện các giải pháp TKNL và huy động sự tham gia của các nhà tài trợ, thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực TKNL. 
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hiệp, nội dung Dự thảo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 được xây dựng bao gồm 4 dự án thành phần, bao gồm: Dự án tăng cường phổ biến thông tin, kiến thức và hướng dẫn cách thực thực hành, sử dụng trang thiết bị hiệu quả năng lượng và các công nghệ TKNL; Dự án hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường sản phẩm, công nghệ, thiết bị hiệu suất năng lượng cao và dịch vụ TKNL; Dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ trong các công trình xây dựng và Dự án thúc đẩy TKNL trong ngành giao thông vận tải. 
Điểm đặc biệt trong cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ giai đoạn 2019-2020 phải kể đến đó là, ngoài trách nhiệm của Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tổ chức đoàn thể, hội, hiệp hội doanh nghiệp xây dựng và triển khai từng dự án cụ thể với sự điều phối của Ban chỉ đạo thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nhiệm vụ giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nội dung thuộc phạm vi quản lý ngành, định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công thương. 
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu năng lượng là một trong những giải pháp có lợi nhất về mặt kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, giúp đối phó với việc tăng giá và giảm chi phí cho người sử dụng năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu. Theo kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải thì các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, chuyên gia tư vấn năng lượng của WB cho rằng, việc sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm, còn lãng phí là do chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Đây là tình trạng chung của nhiều nước chứ không chỉ ở Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, khi triển khai Chương trình này, cần có được những chế tài nghiêm khắc hơn. Ngoài chế tài, cần có các cơ chế khuyến khích cho những người làm tốt phải được thưởng. Phải chuyển các chương trình từ tự nguyện sang “trong chương trình mục tiêu quốc gia VNEEP chủ yếu là khuyến khích thì này phải bắt buộc. Trên thế giới, đã có sự dịch chuyển rất lớn trong các chương trình mang tính bắt buộc. Để làm được điều này, cần kết hợp cơ chế bắt buộc với khuyến khích. Chế tài và tài chính phải song hành…” – vị chuyên gia chia sẻ. 
Cũng theo các chuyên gia tư vấn năng lượng quốc tế, trong công tác quản lý, cần phải có quản lý năng lượng chuyên trách trong những đơn vị sử dụng nhiều năng lượng. Phải sử dụng đơn vị kiểm toán có trình độ; phải nộp các báo cáo cho các cơ quan chức năng, lưu giữ toàn bộ các tài liệu, để đảm bảo có thể theo dõi, giám sát được các hoạt động này. Một yêu cầu nữa là Việt Nam cần có đủ số lượng kiểm toán viên có trình độ, chất lượng cao. Nếu kiểm toán viên không có trình độ, chất lượng kiểm toán sẽ không đảm bảo. Do vậy, cần chú trọng việc đào tạo ra được một đội ngũ kiểm toán viên và cán bộ quản lý năng lượng đủ lớn để đáp ứng quản lý được các khối lượng DN sử dụng nhiều năng lượng. “Nếu chúng ta có thể làm được những điều này, thì có thể tiết kiệm được thêm khoảng 5-10% năng lượng và tương lai có thể nhiều hơn” – vị chuyên gia đến từ WB quả quyết.
Theo Trang tin điện tử ngành Điện
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận