Trang chủ >> Hoạt động Hội

Giá điện theo cơ chế thị trường với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Cập nhật lúc : 18:11 | 27/07/2023


Chính sách hiện hành về giá điện
Căn cứ đặc điểm của quá trình sản xuất và tiêu dùng điện, chi phí sản xuất kinh doanh điện tại Việt Nam bao gồm các khâu: phát điện; truyền tải điện; phân phối điện, bán lẻ điện; quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ. Biểu giá điện của Việt Nam được xây dựng theo các quy định của Luật điện lực về chính sách giá điện.
Chính sách hiện hành về giá điện đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:
Thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, giảm dần và tiến tới xoá bỏ việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện.
Hỗ trợ giá điện cho người nghèo và người có thu nhập thấp: giá điện sinh hoạt có trợ giá được áp dụng cho các hộ nghèo và hộ thu nhập thấp; mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành (mức hỗ trợ được điều chỉnh phù hợp cho từng giai đoạn).
Hỗ trợ cho các hộ sử dụng điện sinh hoạt nông thôn: áp dụng biểu giá điện bậc thang cho điện sinh hoạt khu vực nông thôn với mọi loại hình của các tổ chức kinh doanh điện bán lẻ điện nông thôn; đảm bảo cho người dân nông thôn được hưởng giá điện như ở khu vực thành phố, không phải chịu giá bán điện quá cao do phải mua điện qua các đơn vị trung gian kinh doanh bán lẻ điện nông thôn.
 
Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: biểu giá điện theo thời gian (TOU) được áp dụng đối với các khách hàng sử dụng điện cao thế, trung thế và khách hàng sử dụng điện hạ thế tại những nơi điều kiện kỹ thuật cho phép.
Khuyến khích áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép.
Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, hải đảo.
Căn cứ vào các nguyên tắc nêu trên, cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân được quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, giá điện ngoài phản ánh đúng, đủ biến động của các yếu tố chi phí đầu vào nhằm đảm bảo cho các đơn vị điện lực bù đắp được chi phí,  có lợi nhuận hợp lý để tiếp tục đầu tư, mở rộng nguồn, lưới điện và đảm bảo các chỉ tiêu vĩ mô của nhà nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, biểu giá điện tại Việt Nam hiện nay chưa mang đủ yếu tố thị trường, chưa khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, giá điện hai thành phần công suất và điện năng chưa được áp dụng, chưa khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng.
 Giá điện bình quân đã thực hiện điều chỉnh theo giai đoạn từ 2007-2020 như sau:

Giá điện theo cơ chế giá thị trường
Qua phân tích biểu giá điện đã và đang áp dụng tại Việt Nam và một số nước trong khu vực, có thể thấy rằng biểu giá điện của một số nước có nhiều điểm tiến bộ hơn biểu giá điện hiện tại của Việt Nam, biểu giá điện của các nước được thiết kế theo cơ chế thị trường, giá điện điều chỉnh linh hoạt khi chi phí nhiên liệu thay đổi, không bù chéo giữa các nhóm khách hàng lớn, chỉ trợ giá cho đối tượng người già, thất nghiệp, đơn thân, tách bạch chi phí dịch vụ hỗ trợ thị trường, chi phí vận hành hệ thống và quản lý thị trường, một số nước áp dụng  giá  điện theo 2 thành phần (công suất và điện năng), thực hiện các chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM), Quản lý phụ tải (DR) v.v… để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cần thực hiện các chương trình DSM, DR… để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 

 Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành giá điện (thay đổi chu kỳ điều chỉnh, tần suất điều chỉnh và mức độ điều chỉnh), tuy nhiên đây chỉ là các biện pháp kỹ thuật chưa mang tính quyết định để cải cách giá điện theo cơ chế thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, giá điện vẫn là điểm nghẽn nhưng là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện, chỉ có cải cách giá điện theo cơ chế thị trường mới có thể thu hút được vốn đầu tư phát triển ngành Điện. Đây là xu hướng chung về điều hành giá điện hiện nay của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam nói chung và ngành Điện nói riêng không thể đứng ngoài cuộc.
Trong thời gian tới, căn cứ vào các giai đoạn của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện biểu giá bán  điện của Việt Nam, tham khảo các yêu cầu, nguyên tắc và tiêu chí thị trường của các nước đi trước, áp dụng giá điện 2 thành phần công suất và điện năng trong cơ cấu giá điện vào thời điểm thich hợp, hạn chế công suất sử dụng điện tăng quá nhanh vào giờ cao điểm, thực hiện các chương trình DSM và tiết kiệm năng lượng, giảm gánh nặng đầu tư cho xã hội nói chung và ngành Điện nói riêng.
Cơ chế điều hành giá điện theo cơ chế thị trường của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:
Đảm bảo kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành Điện.
Bảo đảm thu hồi đủ chi phí, có mức lợi nhuận hợp lý, thu hút đầu tư phát triển ngành Điện, khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ, sử dụng điện tiết kiệm, chống lãng phí điện.
Áp dụng biểu giá điện bậc thang phù hợp với đặc điểm của sản xuất, kinh doanh điện, thị trường điện và các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, phù hợp với chính sách có liên quan của Nhà nước về hỗ trợ các đối tượng chính sách, đối tượng đặc biệt như người già…
Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: biểu giá điện theo thời gian (TOU) được áp dụng đối với các khách hàng sử dụng điện cao thế, trung thế và khách hàng sử dụng điện hạ thế tại những nơi điều kiện kỹ thuật cho phép.
Cải tiến và hoàn thiện biểu giá điện hiện hành. Nghiên cứu thực hiện giá điện hai thành phần giá công suất và giá điện năng vào thời điểm thích hợp cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép.
Như vậy, khi quyết định điều hành giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, giá bán điện sẽ được  điều chỉnh linh hoạt, kịp thời với sự biến động của các yếu tố đầu vào, giá điện (và biểu giá điện) được đảm bảo minh bạch cho từng khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối và bán lẻ điện. Giá điện theo cơ chế thị trường, được thiết kế phù hợp với tình hình ngành Điện, thị trường điện và tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong từng giai đoạn sẽ tạo nguồn lực phát triển bền vững ngành Điện./.
 
Nguyễn Hiệp
 Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam
 
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận