Trang chủ >> Hoạt động Hội

Công ty TNHH Phước Dũ Long: Tiên phong đầu tư lò nung gốm tiết kiệm năng lượng

Cập nhật lúc : 21:01 | 23/04/2024


Là một trong những nhà sản xuất chậu gốm trang trí sân vườn lớn nhất Việt Nam, Công ty TNHH Phước Dũ Long hiện đang sử dụng 13 lò gas nung gốm tiết kiệm năng lượng và hiện đang lắp đặt 5 lò dung tích lớn loại 132m3 do Công ty CP Thiết kế và Sản xuất gốm sứ Bát Tràng thiết kế và lắp đặt.

Ông Vương Siêu Tín bên chiếc lò gas nung gốm tiết kiệm năng lượng 132m3 đang lắp đặt
Đầu tư công nghệ mới tiết kiệm năng lượng
Mặc dù mới chính thức thành lập năm 1999, nhưng Công ty TNHH Phước Dũ Long đã có bề dầy cả trăm năm trong nghề gốm sứ theo tuyền thống cha truyền con nối. Theo chia sẻ của ông Vương Siêu Tín - Giám đốc Công ty thì ông là đời thứ 4 kế nghiệp dòng họ làm gốm mỹ nghệ.
Là một doanh nhân, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, ông Tín đánh giá, hiện nay sản phẩm gốm sứ ngoài chịu sự cạnh tranh gay gắt trên sân nhà thì tại thị trường xuất khẩu cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nước láng giềng Trung Quốc. Điều này buộc các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành... để nâng cao sức cạnh tranh, giữ vững thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm gốm mỹ nghệ sân vườn của Công ty TNHH Phước Dũ Long được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Úc
Vì thế, Công ty TNHH Phước Dũ Long là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc đầu tư lò gas nung gốm dung tích lớn thay cho lò bao, lò rồng truyền thống nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, lò nung gốm dung tích lớn bằng gas đầu tiên ông Tín đầu tư với số vốn hàng chục tỉ đồng đã không vận hành được như mong đợi, nhiệt lượng trong lò không đều, lúc được lúc không, dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định. “Mục đích sản xuất là phải làm ra sản phẩm đẹp, đáp ứng nhu cầu khách hàng, doanh nghiệp cạnh tranh được và có lãi, chứ tiết kiệm năng lượng không phải là mục tiêu hàng đầu của tôi” – ông Tín cho biết.
Nhưng tại thời điểm đầu những năm 2000, những chiếc lò gas nung gốm đầu tiên ông Tín đầu tư cho ra hiệu quả chưa được như mong đợi. Sinh ra là con nhà nòi, nắm tương đối tường tận kỹ thuật của nghề gốm, hiểu rất rõ tầm quan trọng của ngọn lửa tới chất lượng của sản phẩm gốm, ông Tín biết nguyên nhân chưa thành công là do đâu, nhưng không có cách nào khắc phục được.

Khuôn định hình sản phẩm
Mãi đến khi cơ duyên gặp ông Lê Đức Trọng – Giám đốc Công ty CP Thiết kế và Sản xuất gốm sứ Bát Tràng, cùng hàn huyên trao đổi về nghề gốm, ông Tín mới tin tưởng mình đã tìm đúng người.
Nhưng lòng tin ấy cũng phải qua thử thách khá nhiều lần, với những cuộc tranh luận nảy lửa mới phát triển thành một mối quan hệ đối tác bền vững. Đầu tiên ông Tín yêu cầu ông Trọng sửa một lò gas lớn mà ông đã đầu tư chưa thành công, ông Trọng nhận lời.
Ngày nung mẻ đầu tiên, thời điểm mở lò cả hai ông đều rất hồi hộp, có cả những người cùng làm nghề gốm tại Bình Dương cũng đến để chứng kiến. Giây phút cánh cửa lò mở ra, màu sắc của các chậu men ánh lên rực rỡ, rồi khi dỡ lò, tỉ lệ hàng đạt chất lượng tới trên 92%, tất cả đều như muốn vỡ òa vì hạnh phúc. Cùng với thời gian, lòng tin của ông Tín đã được củng cố bởi các hợp đồng liên tiếp sau đó đặt ông Trọng lắp đặt thêm các lò mới dung tích từ nhỏ 12m3 đến cực lớn 213m3 và đều thành công.

Những chiếc lò gas nung gốm tiết kiệm năng lượng đủ mọi dung tích
Đầu năm 2024, mặc dù tình hình xuất khẩu còn nhiều khó khăn, nhưng ông Tín vẫn quyết định lắp đặt thêm 5 lò mới dung tích lớn 132m3 để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi kinh tế. Ông Tín cho biết, hiện đã qua mùa cao điểm sản xuất gốm sứ, nên mặc dù việc sản xuất kinh doanh còn đang khó khăn, Công ty Phước Dũ Long vẫn quyết định đầu tư thêm lò, vì thời gian lắp đặt 5 lò mới cũng khá lâu, nếu đến lúc kinh tế khá lên mới đầu tư thì sẽ không kịp.
Trong khu nhà xưởng rộng 19ha của Công ty, ông Tín vẫn giữ nguyên 9 bao lò nung đốt củi truyền thống phục vụ công tác bảo tồn lịch sử và kết hợp tham quan du lịch cho tỉnh Bình Dương, vùng đất nổi tiếng với nghề làm gốm sứ mỹ nghệ thủ công truyền thống có lịch sử hàng trăm năm tuổi. Còn lại, là các lò nung gốm dung tích lớn tiết kiệm năng lượng do Công ty CP Thiết kế và Sản xuất gốm sứ Bát Tràng của ông Lê Đức Trọng thiết kế và lắp đặt.

Công ty TNHH Phước Dũ Long hiện vẫn giữ nguyên 9 bao lò nung đốt củi truyền thống phục vụ công tác bảo tồn lịch sử và kết hợp tham quan du lịch cho tỉnh Bình Dương
Nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu
Lớn lên từ lò gốm, cả đời lăn lộn với nghề gốm, Giám đốc Vương Siêu Tín rất đam mê với việc làm sao để nghề gốm quê hương phát triển bền vững. Vì vậy, trên cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, ông Tín đã tích cực tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp trong Hiệp hội chuyển đổi mô hình lò nung truyền thống sang lò nung gốm bằng gas tiết kiệm năng lượng, vừa đảm bảo môi trường xanh hóa làng nghề, vừa ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, đồng nghĩa nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Sản phẩm chờ vào lò nung
Nhìn chung, dung tích lò càng lớn thì nhiệt tiêu hao trên đơn vị 1m3 riêng lẻ càng giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất cần cân nhắc lựa chọn dung tích lò phù hợp với năng lực sản xuất, hạn chế việc sử dụng đơn lẻ nhiều lò dung tích nhỏ.
Hiện nay, lò con thoi lửa đảo vận hành theo nguyên lý sức hút tự nhiên đã được cải tiến và nâng cao dung tích lên đến trên 100m3 mà vẫn đảm bảo được chất lượng đồng đều cho sản phẩm nung. Với lò dung tích lớn như vậy, thay vì xe goòng di chuyển ra vào lò như dạng thông thường thì ở đây xe goòng được thiết kế cố định, vỏ lò được thiết kế chuyển động tịnh tiến trượt ra khỏi nền lò khi thực hiện việc xếp dỡ.

Xịt men thay cho xối men thủ công
Lò dung tích lớn phải được tính toán kỹ thuật chi tiết để đảm bảo độ cứng vững, chịu sự giãn nở nhiệt từ quá trình nung. Lò cũng phải đảm bảo tính đồng đều trường nhiệt độ tại các vị trí khác nhau trong lò để sản phẩm được chín đều.
Theo tính toán, lò dung tích lớn thì hiệu quả hơn lò nhỏ trên lượng năng lượng tiêu thụ. Nhưng muốn lắp đặt lò lớn thì phải có qui mô sản xuất, có kinh nghiệm hiệu chỉnh sắp xếp lò, mỗi lần đốt lò phải đảm bảo đủ hàng cho lò vận hành. Lò nhỏ thì thời gian nung nhanh hơn, thích hợp với các đơn hàng lẻ, thời gian gấp. Trung bình giá gas chiếm 25-35% trong giá thành sản phẩm, nhà đầu tư sẽ có lãi 10-15%, nếu gas tăng đột biến thì không có lãi. Do vậy, lò vận hành càng tiết kiệm thì doanh nghiệp càng có thêm lợi nhuận.

Chờ men khô
Bên cạnh việc đầu tư hệ thống lò gas nung gốm tiết kiệm năng lượng của “Vua lò” Lê Đức Trọng, năm 2010, Công ty TNHH Phước Dũ Long tiến hành lắp đặt dây chuyền xử lý và ép đất đầu tiên trong ngành gốm sân vườn tại Việt Nam. Công tác bảo vệ môi trường được Công ty thực hiện khá tốt với đầy đủ các thủ tục quy định về bảo vệ môi trường.
Có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt để tái sử dụng, thu hồi bùn/nước thải từ quá trình sản xuất, thu hồi men ép gạch để sử dụng. Mới đây nhất, Công ty đã đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy trị giá gần trên 30 tỉ đồng, đáp ứng mọi yêu cầu của công tác phòng cháy chữa cháy. Toàn bộ lò nung đều có hệ thống thu hồi nhiệt chuyển sang lò sấy tận dụng nhiệt để sấy sản phẩm trước khi nung.

Lò sấy được thiết kế để tận dụng nhiệt của lò nung sấy sản phẩm trước khi nung
Ông Tín cho biết, lò của ông Trọng thiết kế ngày càng hoàn thiện về công nghệ và có tính thẩm mỹ cao, quy trình vận hành tốt. Tuy nhiên, thời gian tới, ông muốn tiếp tục cải tiến quy trình vận hành, tối ưu chế độ đốt lò, áp dụng tự động hóa dây chuyền công nghệ hiện hữu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế rủi ro cho người vận hành.
Hiện tại, việc vận hành lò vẫn đang dựa vào kinh nghiệm của người nung đốt. Dựa trên số liệu ghi chép thủ công để lập chế độ vận hành, sẽ cần thời gian để điều chỉnh phù hợp, nhưng đây là việc làm cần thiết để tiếp tục nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.

Sản phẩm được xếp vào giá đỡ đưa vào lò
Đây cũng là việc làm cần thiết của các doanh nghiệp làng nghề trước áp lực giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Hồ Nga
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận