Trang chủ >> Hoạt động Hội

Cơ chế tài chính cho các dự án TKNL - Bài 3: Chia sẻ rủi ro để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia dự án TKNL

Cập nhật lúc : 22:47 | 02/10/2022

Liên quan đến chính sách khuyến khích tài chính thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong nhiều năm qua các cơ quan liên quan đã ban hành và sử dụng một số công cụ tài chính cho các dự án TKNL. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì hoạt động này chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Theo một số khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB), thì về mặt kỹ thuật, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong một số ngành công nghiệp của ta có thể đạt ngưỡng từ 15-30%. Nhưng làm thế nào để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào các dự án TKNL, chấp nhận đầu tư vào các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì cần nhiều yếu tố, trong đó có tháo gỡ khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Nhận diện những rào cản

Theo ông Hoàng Việt Dũng, Cán bộ Văn phòng Ban chỉ đạo TKNL - Bộ Công Thương, trong giai đoạn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2005-2010 (VNEEP1), giai đoạn 2011-2015 (VNEEP2), các quy định về cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án TKNL đều đã có. Cụ thể, hỗ trợ 50% chi phí lập báo cáo kiểm toán năng lượng cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Hỗ trợ kinh phí đầu tư thực hiện dự án tối đa không quá 30% tổng mức đầu tư của dự án và không vượt quá mức 5-7 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất cải thiện, chuyển đổi dây chuyền công nghệ tương ứng (VNEEP2); Vay đặc biệt ưu đãi với lãi suất thấp (40-50% lãi suất thị trường) và thời hạn trả nợ dài, thông thường từ 05 năm trở lên cho đầu tư các dự án, mua bán thiết bị hiệu quả năng lượng từ Quỹ tài chính đặc thù quốc gia như Quỹ Bảo vệ Môi trường (VEPF), Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia (NATIF)… nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Cơ chế tài chính cho dự án TKNL góc nhìn chuyên gia
Cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án TKNL đều đã có, nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả


Trên thực tế, bản thân các ngân hàng cũng khá dè dặt trong việc cho vay ưu đãi các dự án TKNL. Có thể nhận diện những rào cản đang khiến cho các dự án TKNL không dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn gồm:

+ Yêu cầu tỉ lệ TKNL còn quá cao (trên 20%) khiến doanh nghiệp không đáp ứng được trong thực tế;

+ Tỷ lệ lãi suất cần đủ cao để ngân hàng (bên cho vay) bảo đảm có một phần lợi nhuận bên cạnh khả năng thu hồi vốn, nhưng doanh nghiệp (bên vay) lại đánh giá là cao so với khả năng chấp nhận của doanh nghiệp, trong khi thủ tục pháp lý rất nghiêm ngặt. Điều này dẫn đến tính hấp dẫn đối với các ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng, cũng như đối với doanh nghiệp là không cao;

+ Dự án TKNL với những công nghệ luôn được cập nhật, trong khi khả năng thẩm định của ngân hàng đối với các yếu tố kỹ thuật, mức TKNL, tác động với môi trường xã hội còn nhiều hạn chế, các nhân viên thẩm định của ngân hàng không thể nắm được hết các tính chất kỹ thuật của dự án;

+ Khi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án TKNL cũng chỉ là một hạng mục nhỏ trong cả một dự án lớn, do đó phải tách riêng phần TKNL để ngân hàng đánh giá thẩm định và cho vay mất rất nhiều thời gian và công sức;

+ Tài sản của các dự án TKNL thường có tính chất đặc thù, khấu hao rất nhanh, tính thanh khoản trên thị trường không cao, có cả yếu tố khấu hao vô hình là công nghệ. Do đó, khi đầu tư chỉ là một hạng mục trong toàn bộ dự án lớn của doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng điều kiện làm tài sản đảm bảo của ngân hàng, dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn của ngân hàng.

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể vượt qua các rào cản này, tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, phục vụ công tác đầu tư giải pháp TKNL?

Chia sẻ rủi ro cùng ngân hàng, doanh nghiệp

Một trong những nhóm giải pháp cơ bản của VNEEP3 giai đoạn 2019-2030 mà Bộ Công Thương đề ra chính là hoàn thiện các cơ chế ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động TKNL thông qua các tổ chức quốc tế. Ông Hoàng Việt Dũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu rà soát luật, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án tăng cường làm rõ các cơ chế ưu đãi với hoạt động đầu tư, ưu đãi về thuế, lãi suất trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời đề xuất thành lập Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Cơ chế tài chính cho dự án TKNL góc nhìn chuyên gia
Bộ Công Thương đề xuất thành lập Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để hỗ trợ cho các doanh nghiệp


Trong thời gian tới, có nhiều nguồn vốn rất lớn được dành cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam. Đang vận hành phải kể đến là Dự án Thúc đẩy TKNL trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) với qui mô 1,3 triệu USD do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ thông qua WB. Dự án này có 2 phần: Phần 1 là vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF), do ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) quản lý và vận hành, nhằm mục đích chia sẻ rủi ro cùng ngân hàng, doanh nghiệp. Quỹ sẽ thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh cho các đơn vị khi họ tham gia dự án VSUEE. Tỉ lệ bảo lãnh mà SHB có thể cung cấp trung bình khoảng 50% đối với các khoản cho vay.

Theo ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp của WB thì các giải pháp kỹ thuật có thể đem lại hiệu quả sử dụng năng lượng rõ rệt, như nâng cấp thiết bị hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo, đều cần một nguồn vốn tương đối lớn. Trong khi đó thời gian thu hồi vốn dài, năng lực quản lý, thẩm định của các tổ chức tài chính trong lĩnh vực TKNL hạn chế, cơ chế cho vay chưa hấp dẫn, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp… đã tạo ra các rào cản khiến thị trường đầu tư TKNL chưa bứt phá trong thời gian qua.

Theo đó, khi tham gia Dự án VSUEE, các doanh nghiệp công nghiệp được áp dụng các công nghệ cải tiến và tối ưu hóa sản xuất để cắt giảm chi phí sản xuất và tiêu thụ năng lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của mình trong các thị trường trong nước và quốc tế. Còn các ngân hàng thương mại được hưởng lợi từ việc phát triển sản phẩm vay TKNL công nghiệp, được tăng cường năng lực kỹ thuật về thẩm định và theo dõi đầu tư cho TKNL. Thông qua những hoạt động này WB mong muốn tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực TKNL. Đặc biệt, các ngân hàng tham gia dự án còn được Quỹ chia sẻ rủi ro với các dự án mất khả năng chi trả.

Xây dựng dự án TKNL đảm bảo tính khả thi cao

Một trong những khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư về TKNL là vấn đề về nguồn nhân lực. Để tư vấn về lĩnh vực này cần đầy đủ kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau về điện, nhiệt, hệ thống, công nghệ … Hiện nay nguồn nhân lực về cơ bản đã tư vấn được các giải pháp thông thường. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp rất cần các giải pháp thay đổi dây chuyền công nghệ để đạt được mức TKNL lớn hơn thì cần có đội ngũ tư vấn có nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu về kỹ thuật đưa ra giải pháp chính xác.

Cơ chế tài chính cho dự án TKNL góc nhìn chuyên gia
Trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp rất cần các giải pháp thay đổi dây chuyền công nghệ để đạt được mức TKNL lớn hơn


Để tiếp tục thúc đẩy các dự án TKNL, ông Hoàng Việt Dũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cho các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai chương trình, trong đó có nâng cao năng lực cho các trung tâm tư vấn, cơ quan quản lý địa phương, đồng thời thực hiện đào tạo cán bộ quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp trọng điểm, đào tạo đội ngũ kiểm toán viên năng lượng hoạt động tốt để phục vụ hoạt động kiểm toán.

Tập trung hỗ trợ các bên liên quan để xây dựng phát triển các dự án đảm bảo tính khả thi cao, hoàn thiện hồ sơ để có thể chuyển lên ngân hàng làm các thủ tục cho vay. Vừa hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa hỗ trợ các cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định, đánh giá các dự án TKNL để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho triển khai dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung tháo gỡ khó khăn chính sách, thúc đẩy khuyến khích ưu đãi cho đầu tư TKNL. Cụ thể trong quá trình rà soát sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đề xuất làm rõ những hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; về ưu đãi đầu tư; đề xuất thành lập Quỹ đầu tư TKNL để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tạo động lực đầu tư vào lĩnh vực TKNL.

Tăng cường truyền thông TKNL cho doanh nghiệp

Trên cương vị là một ngân hàng đang tham gia cho vay các dự án đầu tư về TKNL, bà Đinh Hương Thủy - Phó Giám đốc Ban nguồn vốn ủy thác quốc tế, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết, hiện các doanh nghiệp còn rất hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay bởi họ không nắm được thông tin. Do đó, trong thời gian tới, cần tăng cường truyền thông TKNL cho doanh nghiệp.

Về phía BIDV luôn chủ động nỗ lực giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, bằng việc triển khai đồng bộ các chương trình truyền thông từ trụ sở đến các chi nhánh, để các doanh nghiệp muốn tiếp cận có thể đến bất cứ phòng giao dịch hay chi nhánh nào của BIDV cũng sẽ được tư vấn nhiệt tình. Bên cạnh đó, BIDV đều cử các chuyên gia tham gia tích cực, chia sẻ kinh nghiệm và cách thức tiếp cận nguồn vốn trong các hội thảo do các nhà tài trợ như WB, GIZ… tổ chức và các diễn đàn của Bộ Công Thương và các tổ chức khác. Qua đó, đưa ra các dự án tâm điểm để doanh nghiệp tham khảo, những lĩnh vực nhà nước quan tâm, những việc doanh nghiệp cần phải làm để tiếp cận nguồn vốn. Đó là, ngay từ khi xây dựng dự án, doanh nghiệp đã phải tính toán rất kỹ về mức TKNL, các thông số kỹ thuật và mức độ ảnh hưởng tới xã hội, đồng thời phải xây dựng kế hoạch tài chính rất cụ thể và chi tiết để đảm bảo cho toàn bộ quá trình dự án diễn ra được thông suốt từ đầu đến cuối. Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về các nguồn tài chính, đặc biệt là các gói sản phẩm hỗ trợ, trên website chính thức cũng như các nền tảng mạng xã hội, các phòng giao dịch của các ngân hàng để tiến hành các thủ tục cần thiết, kịp thời.

Cơ chế tài chính cho dự án TKNL góc nhìn chuyên gia
Với việc được bảo lãnh từ Quỹ chia sẻ rủi ro của dự án VSUEE, trong thời gian tới BIDV sẽ có có thể giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư các dự án TKNL 


Với việc được bảo lãnh từ Quỹ chia sẻ rủi ro của dự án VSUEE, trong thời gian tới BIDV sẽ có có thể xét duyệt được nhiều hồ sơ hơn, để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận, tham gia được nguồn vốn vay của ngân hàng hơn, góp phần thúc đẩy thị trường TKNL tại Việt Nam. Muốn vậy, các doanh nghiệp cũng cần phối hợp  chặt chẽ hơn nữa từ khâu xây dựng dự án đến khi thực hiện, nhằm đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng. Chúng tôi sẵn sàng cho vay sau khi đánh giá được tính hiệu quả, tính khả thi và dòng tiền của dự án để xác định qui mô và thời gian đầu tư cho phù hợp.

Bà Thủy cũng mong muốn rằng, Bộ Công Thương với vai trò cơ quan quản lý về năng lượng sẽ có những chương trình hội thảo, diễn đàn, tọa đàm để kết nối được doanh nghiệp với ngân hàng và các nhà tài trợ nhằm có thêm nguồn vốn cho các dự án đầu tư về TKNL. BIDV cũng cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình hợp tác bền vững để phát triển.


Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận