Trang chủ >> Hội viên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn, an ninh mạng

Cập nhật lúc : 09:56 | 05/08/2022

 
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của việc diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Phó Tổng giám đốc EVN chỉ đạo Ban Viễn thông & Công nghệ thông tin EVN, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) tổng hợp các bài học kinh nghiệm từ tình huống diễn tập; đồng thời yêu cầu các tổng công ty tiếp tục củng cố an toàn thông tin trong đơn vị, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong toàn EVN.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu chỉ đạo
Mục tiêu của đợt diễn tập này nhằm đánh giá kỹ năng thực chiến an toàn thông tin thông qua diễn tập tình huống ứng cứu xử lý sự cố, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và của EVN về ứng cứu sự cố ATTT.
Hệ thống được lựa chọn làm đối tượng cho hoạt động diễn tập là hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP). Đây là hệ thống quan trọng, hiện đang cung cấp dịch vụ tới nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Các sự cố có liên quan tới hệ thống sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên nói riêng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung.
Thành phần tham dự buổi diễn tập gồm: bộ phận Công nghệ thông tin, phụ trách an toàn thông tin của các đơn vị trực thuộc EVN (Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công nghệ EVN, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin, Công ty Mua bán điện, các Công ty phát điện trực thuộc EVN, Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN) cùng 09 Tổng công ty  thuộc EVN (EVNNPT, EVNGENCO1, EVNGENCO2, EVNGENCO3, EVNNPC, EVNHANOI, EVNCPC, EVNHCMC, EVNSPC). Công ty CP an ninh mạng Việt Nam (VSEC), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCert) tổ chức sự kiện, Viettel tham gia với vai trò phòng thủ.
Các đại biểu và các đội thi tham dự buổi diễn tập
Kịch bản diễn tập là: Hacker tiến hành xâm nhập vào hệ thống ERP, chiếm quyền điều khiển và thực hiện thay đổi giao diện ứng dụng. Sau khi nhận được cảnh báo từ hệ thống an ninh bảo mật (SOC) và người dùng, các đơn vị thuộc EVNICT- đơn vị được giao quản lý hoạt động an toàn thông tin trong EVN đã thực hiện các quy trình xử lý sự cố. Đó là thực hiện cô lập hệ thống ERP với người dùng để chống tấn công chéo, lây lan sang các hệ thống của đơn vị; Xin phép EVN chuyển dịch vụ hệ thống ERP vào Trung tâm dữ liệu dự phòng, thực hiện chuyển hệ thống ERP vào trung tâm dữ liệu dự phòng và phối hợp với các đơn vị định tuyến người dùng tại địa chỉ mới; Thực hiện, bàn giao cho đơn vị chuyên trách để phân tích tình huống tấn công, biện pháp phòng chống, đánh giá các thiệt hại phát sinh.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn- Trưởng ban Viễn thông và CNTT của EVN cho biết, công tác an toàn an ninh thông tin rất quan trọng, đặc biệt đối với một doanh nghiệp như EVN. Hiện EVN đã hoàn thành khoảng 80% tiến độ chuyển đổi số và sẽ cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi số vào năm 2022, tiến tới trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Việc diễn tập thực chiến an toàn thông tin sẽ giúp đội ngũ làm công nghệ thông tin từ các đơn vị có thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng xử lý sự cố, nhất là các sự cố liên quan đến các phần mềm, các hệ thống quan trọng của EVN.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng Ban Viễn thông và & CNTT EVN nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác an toàn, an ninh mạng
Sau một ngày diễn tập, Ban tổ chức đánh giá, tất cả các đội đã hoàn thành quy trình và các bài tập diễn tập thực chiến Ban tổ chức đặt ra. Đại diện các đơn vị như Công ty Thủy điện Sê san, Trị An, Hòa Bình đều đánh giá đây là cuộc diễn tập thực chiến hữu ích, giúp đội ngũ công nghệ thông tin ở các đơn vị thực hành nhiều hơn, hình dung được quy trình ứng cứu sự cố bài bản, từ đó đưa ra được các bước cần thực hiện nếu như có sự cố xảy ra. 
 
Ông Nguyễn Văn Long - chuyên viên Ban Tài chính kế toán EVN cho biết, mong muốn của những người làm công tác tài chính kế toán là được nhận thức về an toàn thông tin. "An toàn thông tin là mắt xích, là một khâu trong quá trình sản xuất và vận hành phần mềm. Việc tham gia quan sát trực tiếp đã giúp chúng tôi nhìn thấy rủi ro về an toàn thông tin, nhận thức tầm quan trọng của an toàn thông tin trong công việc hàng ngày".
   
Chuyển đổi số gắn liền với sự phát triển của không gian mạng, hợp nhất công nghệ vật lý, kỹ thuật số và sinh học, kết hợp giữa hệ thống ảo và thực tại, làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm. Không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành và đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Do vậy, đảm bảo an toàn thông, an ninh mạng là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
EVN đã hoàn thành xây dựng và ban hành Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến 2025 với mục tiêu tổng quát là hướng đến các hoạt động của tập đoàn được số hóa, các hoạt động chưa tự động thành tự động và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, năng lực quản trị để EVN hoạt động theo mô hình doanh nghiệp vào năm 2025.
Minh Khuê
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận