Trang chủ >> Hội viên

EVN hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong cao điểm nắng nóng

Cập nhật lúc : 08:14 | 06/07/2022

Cả nước đang vào hè, bắt đầu có những đợt nắng nóng, nhiệt độ cao làm cho nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, hóa đơn tiền điện của khách hàng thường tăng cao bất thường. Việc cùng một lúc sử dụng nhiều thiết bị điện không chỉ tốn điện mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như chập điện, cháy nổ. Vậy, làm cách nào để phòng tránh?
Sử dụng thiết bị có dán nhãn năng lượng để tiết kiệm điện năng
Nhằm giúp khách hàng sử dụng điện tránh được tình trạng tiêu thụ điện vượt ngoài tầm kiểm soát, EVN đã tăng cường tuyên truyền, chia sẻ và khuyến nghị các cách tiết kiệm điện, đồng thời điều chỉnh thói quen sử dụng các thiết bị điện sao cho hiệu quả nhất. Cụ thể, đối với các thiết bị điện được dùng nhiều trong mùa hè như điều hòa, quạt máy, tủ lạnh… khách hàng cần chủ động điều chỉnh thói quen sử dụng. Đối với điều hòa, các chuyên gia khuyến cáo khách hàng nên chọn máy lạnh có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng và diện tích phòng; sử dụng và lắp đặt theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, điều chỉnh nhiệt độ trong khoảng 26-28 độ C và chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời không quá 5 độ C.
Đối với quạt máy, khi sử dụng nên chọn tốc độ gió trung bình giúp làm dịu không khí và tiết kiệm điện năng tiêu thụ; khi không sử dụng quạt nữa thì nên rút phích cắm. Đối với tủ lạnh, không nên mở cửa tủ quá lâu và thường xuyên để tránh hao phí điện năng; điều chỉnh nhiệt độ ngăn lạnh và ngăn đông hợp lý với nhu cầu sử dụng; tránh xa thiết bị sinh nhiệt và sắp xếp các ngăn chứa phù hợp.
Bên cạnh đó, để sử dụng điện an toàn EVN khuyến cáo không dùng các thiết bị có công suất lớn trên cùng một ổ cắm. Quá tải, mất điện, thậm chí là cháy nổ cùng các hiểm họa khôn lường có thể xảy ra nếu sử dụng quá nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm, nhất là các thiết bị có công suất lớn và vào giờ cao điểm. Không để hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần các thiết bị sinh nhiệt: Một hành động cực kỳ nguy hiểm khác là để các vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy gần nguồn sinh nhiệt (như tủ điện, ổ cắm điện,...) và ần sắp xếp các vật dụng này ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5 m.
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa, thay thế các thiết bị điện: Kiểm tra thường xuyên các thiết bị điện, nhất là hệ thống đường dây, ổ cắm trong nhà để đảm bảo chúng an toàn. Đồng thời, kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay thế nếu cần.
Trông coi các thiết bị sinh nhiệt khi sử dụng: Nếu đồ ăn trên bếp, nấu nước bằng điện, là quần áo,... nhưng chuyển sang làm việc khác mà quên tắt thiết bị điện là nguyên nhân chủ yếu gây ra hỏa hoạn, và thực tế đã có rất nhiều tai nạn đáng tiếc. Để an toàn, bạn hãy chú ý trông coi các thiết bị điện có tính sinh nhiệt cao khi đang sử dụng.
Tắt hoặc ngắt nguồn các thiết bị điện khi ra khỏi nhà: Một lưu ý rất quan trọng: Khi ra khỏi nhà, bạn nên rút hẳn phích cắm điện của các thiết bị ra khỏi ổ cắm (trừ aptomat dùng cho tủ lạnh) để đảm bảo an toàn và tránh tiêu hao điện năng khi không sử dụng.
Hương Linh

Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận