Trang chủ >> Hoạt động Hội

Trao đĩa vàng sáng tạo và huy hiệu thành viên của Liên đoàn các nhà sáng tạo thế giới (WRC) và Kỷ lục Việt Nam đến “Vua lò” Lê Đức Trọng cùng nhóm tác giả.

Cập nhật lúc : 15:55 | 24/03/2022

Vào sáng ngày 18 tháng 03 năm 2022 tại nhà văn hóa Thôn 2 Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Được sự ủy quyền của Liên đoàn các Nhà sáng tạo Thế giới (WRC), lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao đĩa vàng sáng tạo và huy hiệu thành viên của Liên đoàn tới ông Lê Đức Trọng.
Tham dự chương trình có TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch TW Hội Kỷ lục Gia Việt Nam, Anh hùng vũ trụ – Trung tướng Phạm Tuân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc Phòng, Bộ Quốc Phòng, thường trực Hội đồng tư vấn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, ông Hoàng Thái Tuấn Anh – Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Trưởng đại diện Miền Bắc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, lãnh đạo UBND xã Bát Tràng, đại diện cơ quan, đoàn thể, các hiệp hội cùng đông đảo đối tác, người thân và bạn bè đã tới để chúc mừng và chia vui cùng ông Lê Đức Trọng.
TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch TW Hội Kỷ lục Gia Việt Nam, Anh hùng vũ trụ – Trung tướng Phạm Tuân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc Phòng, Bộ Quốc Phòng, thường trực Hội đồng tư vấn Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Kỷ lục Việt Nam đến Ông Lê Đức Trọng và ông Nguyễn Thành Đông.
Ông Lê Đức Trọng hiện là Giám đốc công ty cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng, trong suốt gần 50 năm, từ năm 1973 đến nay đã dành trọn tậm huyết của mình cho những hoạt động nghiên cứu, cải tiến công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật ngành gốm và một số ngành liên quan. Ông cùng nhóm cộng sự đã nghiên cứu và xây dựng thành công Lò gas nung gốm gián đoạn (hay còn gọi là lò con thoi) và bộ buồng sấy sử dụng nhiệt khói thải của lò nung tạo thành bộ thiết bị lò nung tiết kiệm năng lượng, làm thay đổi hoàn toàn phương thức nung gốm truyền thống.
Lò gas nung gốm gián đoạn tiết kiệm năng lượng với dung tích lò lớn sẽ giúp cho doanh nghiệp ứng dụng đáp ứng được sản lượng, tiết kiệm nhiêu liệu, giảm phát thải khí ra môi trường, chất lượng và hiệu quả sản phẩm được nâng cao.
Dân Bát Tràng gọi ông Trọng là “vua lò” bởi Công ty của ông và bản thân ông gần như đã gắn bó cả cuộc đời mình cho ngọn lửa của làng nghề gốm Bát Tràng luôn rực cháy đúng theo nghĩa đen của nó. Ông là Người gốc ở Bát Tràng, say mê nghiên cứu, thiết kế, cải tạo, sửa chữa,… nói chung là mọi khâu liên quan đến lò nung gốm. Lê Đức Trọng, từ trẻ đã sớm có những chiêm nghiệm, tìm tòi và suy nghĩ về một tương lai phát triển tất yếu của lò nung gốm thủ công. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Bát Tràng đang trở thành điểm nóng của ô nhiễm không khí từ các lò nung gốm bằng than và hệ lụy của nó là nhiều người dân trong xã bị bệnh viêm đường hô hấp, ung thư, một ý tưởng đã hình thành trong người thợ kỹ thuật Lê Đức Trọng, đó là phải chuyển đổi phương thức lò nung, phải tìm nhiên liệu khác thay thế những chiếc lò than cũ kỹ và chứa đầy hiểm họa. Thế là với kiến thức của một phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của một xí nghiệp gốm sứ, với nhiều năm kinh nghiệm, Lê Đức Trọng đã mạnh dạn cho ra đời những chiếc lò gas nung gốm với nhiều kích thước và dung tích khác nhau. Ông Trọng hiểu rằng, yếu tố then chốt trong việc tiết kiệm năng lượng cho lò nung thực chất là giải quyết tốt vấn đề cháy – nghĩa là nhiệt tỏa đều, sản phẩm chín đều, chín tới trong một khoảng thời gian tối ưu.
Công nghệ lò gas tiết kiệm năng lượng do ông Trọng cùng nhóm cộng sự thiết kế và chuyển giao đã làm thay đổi phương thức sản xuất của các làng nghề gốm truyền thống cả nước nói chung và Bát Tràng nói riêng. Hiện nay khi đến với làng Gốm Bát Tràng, chúng ta không còn thấy những cột khói đen sì sả khói nghi ngút nữa, đa số các các cơ sở sản xuất đã chuyển sang sử dụng lò gas tiết kiệm năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường được cải thiện triệt để, sức khỏe người dân được đảm bảo hơn. Ngoài ra công nghệ lò gas tiết kiệm năng lượng của ông Trọng cùng nhóm cộng sự đã rút ngắn thời gian đốt xuống từ 25 đến trên 30%, giảm tiêu hao nhiên liệu trên 30%, chất lượng sản phẩm nung cao, ổn định, thu hồi 98-99% sản phẩm, trong khi đó, giá thành đầu tư thiết bị ban đầu chỉ bằng khoảng 50% so với giá lò nhập ngoại.

Các đại biểu Hội Khoa học & Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam chúc mừng ông Lê Đức Trọng
Với những sáng kiến và đóng góp to lớn của mình ông Lê Đức Trọng đã được Liên đoàn các Nhà sáng tạo Thế giới (WRC) trao tặng đĩa vàng và huy hiệu thành viên của Liê đoàn. Do tình hình dịch Covid 19 vẫn còn phức tạp, Lãnh đạo Liên đoàn các Nhà sáng tạo Thế giới không trực tiếp sang Việt Nam trao được nên đã có thư ủy quyền cho Lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng đĩa vàng và huy hiệu thành viên của Liên đoàn tới ông Lê Đức Trọng, qua đó ông Trọng trở thành người thứ 6 của Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng cao quý này. Đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến, sáng tạo và đóng góp không ngừng nghỉ của ông Lê Đức Trọng trong suốt hơn 50 năm qua.
Ông Hoàng Thái Tuấn Anh – Tổng thư ký Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Trưởng đại diện Miền Bắc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đại diện công bố quyết định.
Cũng trong trương trình này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao Kỷ lục Việt Nam đến ông Lê Đức Trọng cùng nhóm đồng tác giả là: Ông Nguyễn Thành Đông và ông Vương Siêu Tín với tiêu chí: “Người chế tạo lò gas nung gốm gián đoạn có phần vỏ di động và có dung tích buồng nung lớn nhất Việt Nam”.
Theo Phạm Vân: kylucvietnam.vn
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận