Trang chủ >> Hội viên

Chuyển đổi số EVN: Thành quả đáng tự hào

Cập nhật lúc : 15:24 | 02/12/2021

Là doanh nghiệp nhà nước, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đảm bảo cung cấp điện mà còn tích cực thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, trong đó có chuyển đổi số.
Định hướng đúng đắn
Xác định ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng là yếu tố tiên quyết trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, từ rất sớm, Đảng ủy EVN đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết liên quan đến khoa học công nghệ. Điển hình như Nghị quyết số 11/NQ-ĐU ngày 22/9/2017 về “Phát triển khoa học - công nghệ đến 2020, tầm nhìn đến 2030” (Nghị quyết 11), trong đó khẳng định quan điểm: Phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển tập đoàn; là một nội dung cần được ưu tiên đầu tư trước một bước. Định hướng phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ của tập đoàn phải từng bước tiếp cận CMCN 4.0; phát triển khoa học - công nghệ gắn liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển tập đoàn nhanh và bền vững.
EVN chuyển đổi số vì quyền lợi khách hàng
Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương và Đảng ủy EVN, tập đoàn đã xây dựng các chương trình kế hoạch chuyển đổi số cùng các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ tập trung 5 lĩnh vực gồm: Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin.
EVN đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh do Chủ tịch HĐTV EVN trực tiếp làm Trưởng ban với 7 tổ công tác do các lãnh đạo EVN làm đầu mối.
Bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, ban hành mới và thực hiện các quy trình, quy định phù hợp với nhiệm vụ, xu thế chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, EVN đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nhân lực công nghệ thông tin và an ninh bảo mật; triển khai quán triệt, đào tạo nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên về chuyển đổi số.
EVN và các đơn vị đã chủ động ký kết hợp tác với nhiều đối tác nhằm hoàn thiện hạ tầng chuyển đổi số theo hướng chuyên nghiệp; tổ chức nhiều lớp đào tạo kiến thức cho cán bộ, công nhân viên; tổ chức họp chuyên đề, kiểm điểm tiến độ, rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng với EVN, là nền tảng tất yếu cho việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Lan tỏa sâu rộng
Đến nay, công tác chuyển đổi số đã được EVN và các tổng công ty/công ty, đơn vị thực hiện quyết liệt, tạo sức lan tỏa thành một phong trào thi đua và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ví dụ: Các nhà máy thủy điện mới đã ứng dụng công nghệ theo dõi trạng thái vận hành theo điều kiện thực tế thiết bị và sửa chữa RCM; nhà máy nhiệt điện đưa thiết bị đo lường điều khiển tiên tiến phục vụ vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa…
Đối với lĩnh vực truyền tải điện, hiện đã có trên 60% trạm biến áp 220 kV và 100% các trạm 110 kV sang mô hình không người trực, ứng dụng công nghệ GIS giúp tin học hóa việc quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, trang bị và sử dụng thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải.
Trong lĩnh vực điều độ hệ thống điện, tập đoàn đã vận hành hệ thống quản lý dữ liệu vận hành (SCADA/EMS), hệ thống công nghệ thông tin cho vận hành thị trường điện. EVN đã sử dụng hệ thống tự động điều khiển phát điện AGC (Automatic Generation Control), ứng dụng tự động điều khiển các nhà máy điện để điều khiển xa các nhà máy điện mặt trời từ trung tâm điều độ của EVN, đảm bảo công khai, minh bạch và vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện …:
Trong lĩnh vực quản trị văn phòng, đến nay 100% các đơn vị của EVN đã sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết công việc; triển khai chữ ký số và hướng tới phòng họp không giấy.
Đặc biệt, trong công tác kinh doanh - dịch vụ khách hàng, cho đến nay, EVN đã triển khai 100% hóa đơn điện tử (tiên phong thực hiện từ năm 2013); triển khai ký hợp đồng điện tử trực tuyến; ứng dụng công nghệ để thông báo các chỉ số điện; thúc đẩy thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Tại các trung tâm chăm sóc khách hàng ngành điện không chỉ tiếp nhận yêu cầu, tư vấn qua kênh tổng đài điện thoại, mà còn đa dạng phương thức phục vụ khách hàng qua website, email, webchat, fanpage, App Chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động, ứng dụng thành công chatbot - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tư vấn cho khách hàng…
EVN cũng là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên hoàn thành việc tích hợp, cung cấp tất cả các dịch vụ điện năng ở mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được tổ chức Doing Business – Ngân hàng Thế giới xếp hạng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và lọt Top 4 ASEAN…
Vì quyền lợi khách hàng
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, EVN hướng đến mục tiêu tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng mới cho tập đoàn cũng như khách hàng. Tập đoàn lấy khách hàng là trung tâm, nhằm cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng.
EVN sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng (CSKH) theo hướng “cá nhân hóa” và tạo ra trải nghiệm khách hàng toàn diện, nhất quán; liên kết nền tảng CSKH của ngành điện với các đối tác; xây dựng hệ thống thông tin trả lời tự động; ứng dụng AI để nghiên cứu, phân tích hành vi, xu hướng, dự báo và nhu cầu của khách hàng… Triệt để áp dụng phương thức giao dịch điện tử và tăng số khách hàng tham gia các dịch vụ trực tuyến; ứng dụng công nghệ hiện đại trong CSKH và nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng đạt ngang bằng các nước ASEAN 3.
Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống đo đếm thông qua việc triển khai công tơ điện tử và thí điểm hệ thống công tơ thông minh; cải tiến chỉ số tiếp cận điện năng thông qua việc kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai,... để cắt giảm hồ sơ, thủ tục; ứng dụng cung cấp dịch vụ điện không cần khảo sát; số hóa toàn bộ các công việc hiện trường của cán bộ, công nhân viên; ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong hoạt động kinh doanh mua bán điện mặt trời mái nhà tại các tổng công ty điện lực…
Đánh giá về quá trình chuyển đổi số của EVN, nhiều ý kiến cho rằng, với vai trò tiên phong, sự thành công của EVN trong chuyển đổi số sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp khác, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của đất nước nhanh hơn, mạnh hơn.
Có thể nói, việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí cho EVN, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ nền kinh tế; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đặc biệt mang lại lợi ích to lớn cho khách hàng sử dụng điện, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nhiều mục tiêu khác trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.
EVN phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số; năm 2025 trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2030, hầu hết các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng phải đạt trình độ tiên tiến thế giới, đáp ứng được yêu cầu của một nước công nghiệp.
Theo: Báo Công Thương

Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận