Trang chủ >> Khoa học công nghệ
KHCN04. HIỆN TRẠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ HOÀN THIỆN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ Ở VIỆT NAM
Cập nhật lúc : 09:53 | 27/10/2021
Hiện nay, giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng (HQNL) đã được nhận diện như một trong những ưu tiên hàng đầu để đạt được các mục tiêu chính sách năng lượng: an ninh, tiếp cận, tiện nghi và bền vững năng lượng của các quốc gia và Việt Nam. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý và các khung chính sách hiệu quả năng lượng liên quan. Trong đó, các cơ chế khuyến khích tài chính có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư công nghệ và sử dụng HQNL ở các ngành, đặc biệt ngành công nghiệp có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng cuối cùng (TFES) lớn nhất (51,3 % năm 2019 và 47,9% năm 2050). Tuy nhiên, quá trình thực hiên các giải pháp HQNL trong những năm qua đã bộc lộ những bất cập và thiếu sự đồng bộ của các cơ chế tài chính thúc đẩy HQNL bao gồm các khung pháp lý, chính sách và công cụ tài chính HQNL. Do đó, dẫn đến thị trường HQNL phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) cao của Việt Nam. Bài viết này nhằm trình bày ngắn gọn thực trạng các cơ chế khuyến khích tài chính và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động đầu tư và sử dụng năng lượng hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
Thực trạng cơ chế tài chính khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả
Theo quy định của Điều 41 của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/ 2010), các ưu đãi tài chính từ nhà nước bao gồm: (i) Kinh phí hỗ trợ từ Chương trình quốc gia về sử dụng HQNL (VNEEP); (ii) Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu (XNK), thuế thu nhập doanh nghiệp; (iii) Ưu đãi về đất đai; (iv) Vốn vay ưu đãi từ một số Quỹ đặc thù và ngân hàng phát triển Việt Nam (VPB). Tiếp theo, Nghị định 21/2011/NĐ_CP chỉ rõ các ưu đãi đầu tư sản xuất và hỗ trợ đối với các dự án đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu phương tiện HQNL.
Các công cụ tài chính cho các hoạt động HQNL thực hiện ở Việt Nam đến nay, ở các mức độ, phạm vi khác nhau là Trợ cấp, Vay ưu đãi, Vay thương mại, Mô hình ESCO, Bảo lãnh tín dụng/rủi ro, Hạn mức tín dụng,.vv. Các công cụ tài chính này được vận hành bởi một số định chế tài chính (FIs). Đó là: 02 Quỹ đặc thù của nhà nước như Quỹ bảo vệ Môi trường (VEPF) và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDP) và một số ngân hàng cổ phần thương mại/đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế khác như BIDV, Techcombank, HD bank, IFC,... cũng như thông qua các chương trình HQNL quốc gia (VNEEP 1,2,3) và các chương trình/dự án HQNL khác của các đối tác quốc tế hỗ trợ/phối hợp với chính phủ Viêt Nam như: Chuyển hóa các bon thấp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (LCEE), Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn (CPEE), Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam (VEEIE),…vv. Bên cạnh đó, hướng tiếp cận tài chính xanh bao gồm tín dụng xanh/gói vay xanh, trái phiếu xanh và tín dụng carbon,…bắt đầu được phát triển mạnh ở Việt Nam kể từ khi Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh (TTX) được triển khai năm 2015 ở cấp độ các ngành. Mặc dù nguồn tín dụng xanh này vẫn còn hạn chế về quy mô và tiếp cận vốn, nhất là trong lĩnh vực HQNL, nhưng xu thế phát triển tài chính xanh này ở Việt Nam trong những năm gần đây có sự tăng trưởng cao, triển vọng rất lớn theo xu thế chung của toàn cầu khi các khung pháp lý về tài chính xanh ở Việt Nam được dần hoàn thiện. Sự cần thiết và động lực phát triển tài chính xanh ở Việt Nam lại càng rõ ràng, mạnh mẽ khi Chính phủ không bảo lãnh hay hạn chế tối đa bảo lãnh tín dụng cho các tổ chức cá nhân, nhất là đối với các khoản vay đặc biệt ưu đãi (ODA/soft loan) theo Nghị định 97/2018/NĐ-CP.
Có thể phân làm 02 nhóm công cụ tài chính trong lĩnh vực HQNL ở Việt Nam: Công cụ tài chính truyền thống (tài chính công) và phi truyền thống (tài chính thương mại).
Công cụ tài chính truyền thống
Bao gồm một số công cụ tài chính chủ yếu sau: Vay không hoàn lại (grant)/ Trợ cấp (subsidies) đầu tư, Vay đặc biệt ưu đãi, Bảo lãnh tín dụng/rủi ro, Trợ giá năng lượng tái tạo (giá Fit-in), Trợ giá các sản phẩm HQNL từ nguồn ngân sách nhà nước và các tập đoàn năng lượng.
1. Vay không hoàn lại/Trợ cấp
Chính phủ có thể trợ cấp một phần bằng cách cung cấp ngay khoản tài chính nào đó nhằm vượt qua rào cản về vốn đầu tư, và nhận thức HQNL để dự án có thể chuyển dịch được vào thị trường. Trợ cấp cũng có thể thực hiện dưới hình thức chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D), trợ giúp kỹ thuật hay quảng bá nâng cao nhận thức về HQNL như trợ cấp 50% chi phí báo cáo kiểm toán năng lượng cho các cơ sở trọng điểm. Hình thức trợ cấp được thực hiện thông qua các Chương trình/Quỹ tài chính quốc gia dựa trên nguồn ngân sách hoặc chương trình tài trợ của các đối tác có sự tham gia của đơn vị quản lý nhà nước. Trong Chương trình VNEEP 2, các mức hỗ trợ kinh phí đầu tư thực hiện dự án tối đa không quá 30% tổng mức đầu tư của dự án và không vượt quá mức 5- 7 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất cải thiện, chuyển đổi dây chuyền công nghệ tương ứnG[1].
2. Vay đặc biệt ưu đãi
Vay đặc biệt ưu đãi với lãi suất thấp (40-50% lãi suất thị trường) và thời hạn trả nợ dài, thông thường từ 05 năm trở lên cho đầu tư các dự án, mua bán thiết bị HQNL. Nguồn tài chính cho khoản vay đặc biệt ưu đãi từ các Chương trình VNEEPs/Quỹ tài chính đặc thù quốc gia như Quỹ Bảo vệ Môi trường (VEPF), Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia (NATIF) hay từ ngân hàng VDB. Đối với Quỹ VEPF, cho vay với lãi suất ưu đãi và bảo lãnh tín dụng là một trong những hoạt động của VEPF. Với lãi suất cho vay ưu đãi 2,6% - 3,6%/năm, thời gian vay tối đa 10 năm, thời gian ân hạn lên tới 2 năm và mức cho vay tối đa 50 tỷ đồng/dự án và tối đa 100 tỷ đồng/chủ đầu tư đã thực sự phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.[2] Trong trường hợp Chương trình EU tài trợ đầu tư từ ngân hàng Châu Âu (EIB) với đối tác là VDB, điều kiện vay vốn như sau [1]:
Tổng số vay: 50% của tổng đầu tư nhưng không vượt qua 1,77 tr. Euro từ EIB , thời hạn vay không qua 13 năm, ân hạn không quá 3 năm. Lãi suất vay 11% (2018) và được điều chỉnh theo giá thị trường từng năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và dự án tham gia vay vốn kể trên, chủ yếu liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường và năng lượng tái tạo (NLTT), phần cho các hoạt động HQNL còn rất hạn chế.
3. Bảo lãnh tín dụng/rủi ro
Bảo lãnh tín dụng thường được cung cấp bởi các nhà tài trợ, trong một số trường hợp, có thể được thực hiện bởi chính quyền. Sự sẵn có của bảo lãnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng tài trợ các dự án HQNL. Công cụ bảo lãnh tín dụng trong tài chính công được thể hiện rõ trong điều kiện và quy trình bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vay vốn trung và dài hạn đáp ứng các điều kiện của VEPF, VDB, Quỹ bảo lãnh vay vốn trước đây thuộc Quỹ NATIF (Quỹ BLVVNATIF) và điều kiện của mỗi Chương trình tài trợ đầu tư. Trong khuôn khổ Quỹ BLVVNATIF, đối tượng được bảo lãnh vay vốn của Quỹ này bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các ESCOs. Mức bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng thương mại/tổ chức tài chính có thể lên đến 70% tổng mức vốn đầu tư dự án sau khi trừ đi phần vốn lưu động của dự án. Mức bảo lãnh vay vốn cho một dự án HQNL tối đa 3 tỷ đồng và/hoặc cho Bên được bảo lãnh tối đa 4,5 tỷ đồng. Để nhận được bảo lãnh, dự án phải được Quỹ NATIF chấp thuận tính khả thi về kinh tế-kỹ thuật và được Bên nhận bảo lãnh chấp thuận cho vay. Bảo lãnh vốn vay được đánh giá là một cơ chế khuyến khích hiệu quả trong việc đầu tư HQNL, đặc biệt ở các SMEs. Tuy nhiên, Quỹ bảo lãnh vay vốn này đã đóng, trong khi Quỹ NATIF đang cơ cấu lại để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mới theo Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg [3]. Theo đó, Quỹ thực hiện chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Chưa biết lúc nào Quỹ hoạt động bình thường trở lại phục vụ cho nhu cầu vay vốn của các dự án HQNL.
4. Miễn/ giảm các loại thuế, phí
Việc tăng lợi ích đầu tư, sử dụng HQNL đạt được bằng cách sử dụng biện pháp tài khóa như giảm nghĩa vụ thuế doanh nghiệp, giảm thuế XNK đối với thiết bị TKNL đã đề cập trong Luật HQNL 2010 và Điều 28 của Nghị định 21/2011/NĐ-CP như đã nêu ở trên, tuy nhiên đối với công cụ này, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính nên việc áp dụng thực tiễn trong các năm qua không được rõ nét.
Công cụ tài chính thương mại/phi truyền thống
1. Mô hình cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO)
Mô hình ESCO được đề xuất và giới thiệu thực hiện ở Việt nam ở các mức độ khác nhau trên phạm vi hẹp cho các các dự án HQNL của SMEs từ năm 2005 đến nay như: Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các SMEs ở Việt Nam (PECME), dự án CPEE, dự án UNIDO-Thúc đẩy việc sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp HQNL tại Việt Nam, LCEE, ...vv. Trong đó, dự án CPEE đã giới thiệu các khái niệm về Hợp đồng HQNL (EPC) thông qua ESCO được sử dụng tại các nước trên thế giới trong những năm gần đây đến các doanh nghiệp, công ty tư vấn, nhà quản lý và chuyên gia năng lượng ở các hội thảo về ESCO. Tuy nhiên các hoạt động thực tế rõ nét và bao phủ các ngành rộng hơn cả của ESCO là VNEEPs. VNEEP 2 đã có nhiều kết quả hoạt động về ESCO phối hợp với EVN, các công ty ESCOs như Solar Bách Khoa, Viet ESCO,…cũng như các công ty tư vấn năng lượng khác trong thực hiên các chương trình DSM; đầu tư, lắp đặt dàn nước nóng/điện mặt trời áp mái, thiết bị HQNL.. Mặc dù vậy, nhìn chung các ESCOs ở Việt Nam đa phần vẫn là các công ty tư vấn năng lượng (thực hiện kiểm toán năng lượng, lắp đặt, bảo dưỡng thiết bị năng lượng,..) và hầu như không có sự hỗ trợ tài chính kịp thời bền vững của nhà nước. Thậm chí khái niệm chính tắc ESCO cũng chưa có trong các văn bản pháp lý của Việt Nam đến nay. Chi tiết về thực trạng và các giải pháp về mô hình ESCO sẽ được trình bày cụ thể hơn trong chuyên mục số tới của báo điện tử (VEECOM) của VECEA.
2. Tài chính xanh
Tài chính xanh là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính (KNK) và ô nhiễm môi trường; tài chính xanh đã dành được nhiều quan tâm trong thời gian gần đây thông qua các Chương trình/Dự án của các tổ chức và nhà tài trợ quốc tế. Các sản phẩm của tài chính xanh như các Quỹ đầu tư xanh (trong LCEE), Quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh (Bộ KH&ĐT) và Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF-Trung tâm sản xuất sạch) được thực hiện trong giai đoạn 2015-2019 đã có những kết quả ban đầu thúc đẩy phát triển các dự án NLTT và HQNL. Gần đây nhât, các Gói vay xanh (20 triệu USD) và Gói tín dụng xanh (212,5 triệu USD) của các đối tác Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCTF) và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đã được các ngân hàng thương mại (TPB và VPB) thông báo trên thị trường tín dụng xanh. Đối tượng vay là các chủ đầu tự dự án xanh thuộc các lĩnh vực được chỉ định bởi các ngân hàng và đối tác.
Định hướng phát triển tín dụng xanh – ngân hàng xanh cũng đã được khẳng định tại Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 986/QÐ-TTg ngày 8/8/2018). Một số văn bản quan trọng cũng đã được ban hành nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN Việt Nam, đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh khoảng 290 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung vào các ngành chủ chốt của tăng trưởng xanh như: Nông nghiệp sạch (127 nghìn tỷ đồng); năng lượng sạch (84 nghìn tỷ đồng); quản lý nước bền vững tại đô thị và nông thôn (31 nghìn tỷ đồng).
Bên cạnh những kết quả ban đầu, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn như: việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực NLTT, HQNL, công trình xanh tại Việt Nam thường mang tính rủi ro thị trường, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường; các tiêu chí cụ thể để phân loại ngành/lĩnh vực xanh còn chung chung, khá phức tạp, gây khó khăn cho các TCTD khi làm căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát; nhận thức và năng lực của các TCTD trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu, phần lớn cán bộ tín dụng chưa được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực môi trường và HQNL, v.v...
3. Hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng nằm trong số những cơ chế tài chính phổ biến được sử dụng thường xuyên bởi các định chế tài chính quốc tế (IFIs) và chính phủ nhằm cấp tín dụng cho các ngân hàng và các định chế tài chính trong nước (FIs), những tổ chức tài chính sau đó cho vay với mức lãi suất ưu đãi đến các nhà đầu tư (người đi vay) để thực hiện trực tiếp các dự án. Hạn mức tín dụng cũng có thể cung cấp cho các bên trung gian (ESCO, nhà chế tạo thiết bị, công ty cho thuê tài sản…) để thực hiện các đầu tư HQNL. Hiện nay, dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam (VEEIE) do Bộ Công Thương và WB thực hiện cấp hạn mức tín dụng thông qua VCB và BIDV theo công cụ tài chính này. Theo đó, đối tượng cho vay của dự án bao gồm các doanh nghiệp công nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư tiết kiệm và sử dụng HQNL trên phạm vi toàn quốc. Chương trình cho vay đầu tư các dự án TKNL trị giá khoảng 156 triệu USD thực hiện trong vòng 10 năm này sẽ được Bộ Tài chính cho các ngân hàng tham gia vay lại. Sau đó, các ngân hàng tham gia sẽ cho các doanh nghiệp công nghiệp/ESCOs hợp lệ (đủ điều kiện vay) để thực hiện các dự án HQNL. Thời hạn vay do ngân hàng thương mại và doanh nghiệp công nghiệp thỏa thuận tùy thuộc vào loại dự án TKNL nhưng không được vượt quá 10 năm. Có thể dự án đang thực hiện ở giai đoạn đầu nên dường như mô hình này có vẻ không hấp dẫn các doanh nghiệp bởi các lý do: Lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường không đáng kể; các doanh nghiệp vay vốn không có sự lựa chọn rộng rãi về nhà cung cấp; các ngân hàng trong nước còn thiếu kỹ năng tài trợ các dự án TKNL và các ESCO khó tiếp cận hạn mức tín dụng do các yêu cầu về thế chấp tài sản.
4. Tín dụng carbon
Tín dụng các-bon là doanh thu bán chứng chỉ giảm phát thải KNK từ các dự án HQNL bao gồm các cơ chế phát triển sạch (CDM) và Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Mặc dù doanh thu từ các nguồn này thường không đủ để thực hiện đầu tư dự án HQNL, nhưng là nguồn tài chính bổ sung thiết thực vào phần chi phí năng lượng tiết kiệm từ dự án HQNL được VEPF hỗ trợ. Tính đên tháng 2/2016, tổng CER (Chứng chỉ carbon) được cấp là hơn 10.000.000. Phần lớn các dự án trên là dự án thủy điện, phong điện, trồng rừng, tái chế năng lượng,.. trong khi lĩnh vực HQNL có số lượng dự án không đáng kể. Đối với Cơ chế JCM, khi doanh nghiệp Nhật Bản tư vấn, chuyển giao các công nghệ TKNL, giảm phát thải cho các doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ được hưởng tín dụng ưu đãi từ phía Nhật Bản, mức tín dụng tối đa lên đến 50% tổng chi phí dự án, đồng thời, lượng CO2 cắt giảm sẽ được tính cho phía Nhật Bản. Nhà thầu thi công, nhà đầu tư hay nhà cung cấp thiết bị đều có thể tham gia dự án này. Tính đến 2017, đã triển khai 5 dự án và cấp tín chỉ cho 2 dự án JCM về HQNL tại Việt Nam.
Các giải pháp lựa chọn cơ chế tài chính phù hợp cho Việt Nam
Do thị trường HQNL ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, nên việc đề xuất các công cụ tài chính khuyến khích phù hợp cần dựa vào kinh nghiệm quốc tế và bối cảnh thực tế của Việt Nam. Các giải pháp đồng bộ cần phải xem xét đầy đủ các yếu tố: Khung pháp lý và chính sách, quy định về HQNL hiện hành hay chuẩn bị ban hành; Sự phát triển của thị trường tài chính, tín dụng; Thị trường dịch vụ HQNL (ESCO, kiểm toán năng lượng,..vv); Năng lực tài chính, kỹ thuật của các khách hàng mục tiêu (doanh nghiệp, tổ chức tài chính, người sử dụng), v.v…
Trong giai đoạn đến năm 2025 ưu tiên thực hiện một số nội dung quan trọng sau:
Hoàn thiên khung pháp lý, chính sách và quy định về HQNL, bao gồm: sửa đổi, bổ sung Nghị định 21/2011/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan trước năm 2025 (cơ sở để tiến tới sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2030).
Bổ sung và ban hành đồng bộ các quy định về vay không hoàn lại (grant)/trợ cấp (subsidies) đầu tư, vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng/rủi ro, trợ giá các sản phẩm TKNL từ nguồn ngân sách nhà nước và các tập đoàn năng lượng.
Ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về miễn/ giảm các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu thiết bị TKNL.
Bổ sung các quy định về pháp lý và pháp nhân cho hoạt động của các tổ chức ESCO cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nghiên cứu thành lập và vận hành Quỹ Tiết kiệm năng lượng.
Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh cho các TCTD. Trên cơ sở các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động tín dụng xanh,
Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bổ sung và ban hành đồng bộ các quy định về vay không hoàn lại (grant)/trợ cấp (subsidies) đầu tư, vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng/rủi ro, trợ giá các sản phẩm TKNL từ nguồn ngân sách nhà nước và các tập đoàn năng lượng.
Ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về miễn/ giảm các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu thiết bị TKNL.
Bổ sung các quy định về pháp lý và pháp nhân cho hoạt động của các tổ chức ESCO cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nghiên cứu thành lập và vận hành Quỹ Tiết kiệm năng lượng.
Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh cho các TCTD. Trên cơ sở các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động tín dụng xanh,
Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Kết luận
Có thể nói rằng Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu chuyển tiếp của thị trường HQNL: Từ thị trường tài chính công sang thị trường tài chính thương mại. Trong quá trình chuyển tiếp, sự phát triển cần có lộ trình phù hợp theo từng cấp độ mới có thể phát triển bền vững thị trường HQNL./.
TS. Trần Thanh Liễn
Hội KHCN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam
Tài liệu tham khảo
[1] United Nations Industrial Development Organization (UNIDO), Ministry of Planning and Investment (MPI). HANDBOOK ON HOW TO ACCESS GREEN FINANCING IN VIET NAM, 2018
[1] Thông tư liên tịch 45/2014/TTLT-BCT-BTC-KKHĐT
[2] https://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/hoi-nghi-ho-tro-tai-chinh-quy-bao-ve-moi-truong-viet-nam-nam-2018-mong-muon-thong-nhat-to-chuc-tong-hop-nguon-von-tu-trung-uong-den-dia-phuong-1256693.html; https://vepf.vn/vi/gioi-thieu-chung-vepfa2d10a.html
[3] http://natif.vn/2021/07/09/ve-viec-chua-tiep-nhan-ho-so-de-xuat-ho-tro-tai-chinh-cho-cac-doanh-nghiep-to-chuc-ca-nhan-tu-quy-doi-moi-cong-nghe-quoc-gia/
Ý kiến phản hồi
Bình luận