Trang chủ >> Tin tức - Sự kiện

Ngành điện nỗ lực chuyển đổi số

Cập nhật lúc : 10:02 | 23/09/2021

Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã chọn chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam” với mục tiêu tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, kinh doanh (SXKD). Qua đó, tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng.
EVN được vinh danh "Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc"
Năm 2021, thách thức từ dịch COVID -19 còn rất lớn, hơn lúc nào hết, EVN đã tận dụng thời điểm này để tập trung phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành điện. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động; cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư cho hiệu quả hơn.
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân khẳng định, chuyển đổi số và an toàn thông tin là vấn đề rất quan trọng với EVN trong giai đoạn hiện nay. Hội đồng thành viên tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV ngày 17/02/2021 thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong EVN đến năm 2020, tính đến năm 2025.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, Tập đoàn đặt ra 92 nhiệm vụ trong 5 lĩnh vực (sản xuất, kinh doanh-dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ, viễn thông và công nghệ thông tin). Đồng thời, tăng cường an ninh bảo mật trong điều kiện các hoạt động của EVN chủ yếu diễn ra ở môi trường mạng. Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân nhấn mạnh, tập đoàn sẽ hoàn thiện hệ sinh thái số và xây dựng cơ sở dữ liệu EVN. Theo đó, các đơn vị khi triển khai chuyển đổi số cần xây dựng hệ sinh thái riêng của đơn vị mình có cấu trúc phù hợp và kết nối đồng bộ với hệ sinh thái chung của tập đoàn, tương thích với cơ sở dữ liệu của tập đoàn. Quá trình chuyển đổi số cần gắn liền với việc tăng cường an toàn thông tin.
Tại Hội nghị chuyển đổi số và an toàn thông tin năm 2021, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả chuyển đổi số và an toàn thông tin, phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức; đổi mới tư duy của mỗi CBNV-NLĐ của EVN. Trong đó, cần giải quyết các cặp mâu thuẫn trong nhận thức như: Mâu thuẫn giữa thực hiện tuần tự và đột phá; mâu thuẫn giữa nâng cấp cái cũ và phá bỏ, xây dựng cái mới; mâu thuẫn giữa việc tự xây dựng theo nhu cầu và ứng dụng cái có sẵn; mâu thuẫn giữa đào tạo nguồn nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực...
Để thực hiện chuyển đổi số, công tác truyền thông, tuyên truyền tới mọi CBNV-NLĐ trong tập đoàn với mục tiêu mỗi người hiểu được bản thân mình, đơn vị mình cần phải làm gì trong kế hoạch tổng thể chuyển đổi số của tập đoàn; lợi ích của chuyển đổi số; tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cũng yêu cầu, các đơn vị khẩn trương thiết lập, vận hành hệ thống hạ tầng số và hạ tầng an ninh bảo mật đáp ứng yêu cầu cho công tác chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Cụ thể, cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN như: Công nghệ hạ tầng hội tụ, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ mobile computing, công nghệ IoT,...
Đồng thời, quản trị và kết nối xuyên suốt cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của tập đoàn và các đơn vị thành viên; tập trung hoàn thiện hạ tầng số mà nền tảng là hệ thống EVN’s Cloud, xây dựng nền tảng số, phát triển AI; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh tự động hóa, nghiên cứu sử dụng robot để thực hiện các công việc nặng nhọc, nguy hiểm… Theo đó, các đơn vị trong EVN cần đăng ký phát triển tối thiểu 10 sản phẩm “Make by EVN”, tiến tới có ít nhất 5 sản phẩm “Make in Viet Nam” là sản phẩm mang thương hiệu EVN vào năm 2022.
Hương Linh
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận