Trang chủ >> Khoa học công nghệ

Mô hình hóa quá trình đào tạo kiến thức tiết kiệm năng lượng

Cập nhật lúc : 08:35 | 17/04/2018

Việt Nam có tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, nhưng việc tiết kiệm chưa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân chưa biết rằng, họ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí lớn khi triển khai các biện pháp sử dụng năng lượng đúng cách.


Thực hành bẫy hơi (cốc tách hơi nước): khảo sát, kiểm tra loại bẫy hơi (tách hơi) hoạt động tốt - thu hồi nước ngưng tốt
Đó là nhận xét của bà Sonia Lioret - Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng của Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ trong các cuộc hội thảo quốc tế về năng lượng do GIZ tổ chức tại Việt Nam. 
Theo bà Sonia Lioret, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) ở Việt Nam là rất cao, lên tới 30% tổng năng lượng tiêu thụ. Cá biệt có một số ngành con số này còn cao hơn, như ngành xi măng tiềm năng TKNL lên đến 50%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến TKNL, mà lí do chính là nhận thức về TKNL còn hạn chế, các công ty và cá nhân chưa biết rằng họ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí lớn khi triển khai các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.
Điều này càng đúng nếu lấy ví dụ của Chương trình Giờ Trái Đất. Được đầu tư một cách bài bản từ truyền thông đến sự kiện do Bộ Công Thương chủ trì, sau 10 năm tham gia vào sự kiện này, với 6 tỉnh, thành phố tham gia năm đầu tiên 2009, đến nay đã có tất cả 63 tỉnh, thành phố tham gia. Ý thức của doanh nghiệp, người dân với sự kiện Giờ Trái Đất cũng được nâng lên rất nhiều.
Cán bộ quản lý năng lượng phải được học trên mô hình thực tế
Trở lại với việc làm thế nào để nâng cao hiệu quả của truyền thông, một hướng đi mà các chuyên gia lâu năm trong ngành đã đặt vấn đề và theo đuổi ý tưởng về việc xây dựng các mô hình thực tế về TKNL để đào tạo cho cộng đồng và doanh nghiệp những kiến thức trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Đình Hiệp – Tổng Thư ký Hội Khoa học công nghệ và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chia sẻ, tại các nước tiên tiến, ví dụ như ở Đan Mạch, phòng giới thiệu cộng đồng rất hoành tráng. Bộ phận kinh doanh phụ trách ngoài việc giới thiệu, hướng dẫn các giải pháp TKNL còn tư vấn cho khách hàng kể cả thiết bị.

Một khóa đào tạo cán bộ quản lý năng lượng do chuyên gia Nhật Bản làm giảng viên tại Trung tâm Đào tạo cán bộ quản lý năng lượng trực thuộc Sở Công Thương TP.HCM
Việt Nam cũng nên theo hướng xây dựng các mô hình này phù hợp với mọi đối tượng đặt tại các phòng thông tin, tuyên truyền về TKNL của các tỉnh, thành phố. Với việc được mục sở thị và hiểu cặn kẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ điện, dần sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng sao cho tiết kiệm và hiệu quả.
Vào thời điểm cách đây khoảng 5-6 năm, khi Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tìm kiếm đối tác để xây dựng mô hình mẫu cho đào tạo, TP.HCM đã giành được tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý năng lượng trực thuộc Sở Công Thương TP.HCM (nay là Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp thành phố), trong khi Hà Nội thì tuột mất cơ hội.

Thực hành tỉ lệ đốt, quan sát ngọn lửa tối ưu
Trung tâm này có diện tích gần 900 m2 tại KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, do JICA tài trợ toàn bộ thiết bị, máy móc trị giá 1,2 triệu USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại, gồm phòng thực nghiệm chiếu sáng, hệ thống máy khí nén công nghiệp, hệ thống lò hơi... đi vào hoạt động từ tháng 6/2015. Đến nay, đây vẫn là Trung tâm duy nhất trong cả nước đào tạo cán bộ quản lý năng lượng với các mô hình động mẫu mực, hiện đại hàng đầu khu vực.
Ông Lê Minh Trung – Giám đốc Trung tâm cho biết, kể từ tháng 6/2015 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 15 khóa đào tạo cho hơn 620 cán bộ quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh khác. Ban đầu, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt, sau đó Trung tâm đã chủ động trong công tác đào tạo, vận hành hệ thống máy móc thiết bị, đóng góp lớn vào việc nâng cao kiến thức, trình độ và khả năng tiếp cận các giải pháp TKNL hiệu quả cho doanh nghiệp.

Thực hành đầu đốt mở tiết kiệm năng lượng khí đốt LPG hiệu quả
Đầu tư mô hình cho các phòng thông tin tuyên truyền về TKNL
Dự án dành cho cán bộ quản lý năng lượng như ở trên mới chỉ là cho doanh nghiệp, còn các đối tượng khác, làm thế nào để việc tuyên truyền về TKNL thực sự có hiệu quả? Việc này, cũng lại là TP.HCM tiên phong triển khai thực hiện.
Còn nhớ, năm 2015, trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Huỳnh Kim Tước khi đó là Giám đốc Trung tâm TKNL TP.HCM đã chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền về TKNL cho học sinh cấp tiểu học. Ông Tước cho rằng, phần lớn kiến thức về TKNL mang tính chất hàn lâm, công nghệ khô khan, do đó, để các em hiểu được và ham muốn tìm hiểu, đội ngũ làm tư vấn của Trung tâm đã phải "game hóa" kiến thức, biến tất cả thành những mô hình trực quan, những trò chơi thú vị, phù hợp với lứa tuổi các em. Với cách tiếp cận này, Trung tâm TKNL TP.HCM đã rất thành công trong việc xây dựng mô hình trường học xanh đầu tiên của Việt Nam lúc bấy giờ.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng Phòng Thông tin tuyên truyền an toàn và TKNL với các mô hình đơn giản, dễ hiểu phục vụ cho nhiều đối tượng đến tham quan, tìm hiểu

Còn hiện tại, cũng tại TP.HCM, Phòng Thông tin tuyên truyền an toàn và TKNL thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang duy trì các gian hàng trưng bày các thiết bị TKNL và một số mô hình trình diễn đơn giản để làm nơi cho các đơn vị, cá nhân tham quan, tìm hiểu về quá trình sản xuất ra năng lượng, cũng như các giải pháp, thiết bị TKNL. 
Mô hình được xây dựng từ năm 2013, hàng năm thu hút khá đông các đoàn khách tham quan, trong đó đặc biệt là các em học sinh. Ông Mai Thanh Ninh – Quản lý Phòng cho biết, đội ngũ cán bộ Phòng đã dành khá nhiều thời gian để tham khảo và biên soạn những bộ tài liệu phù hợp với từng đối tượng như học sinh, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… Ngay với học sinh cũng phân thành 3 nhóm. Bài giảng cho các con tiểu học khác với bài cho các con bậc trung học cơ sở. Lên trung học phổ thông, các con đã biết về điện, thì bài giảng lại tập trung nhiều hơn vào kỹ thuật, như làm thế nào ra điện, chứng minh các kiểu truyền tải làm sao để không suy hao… Chỉ đơn giản như với quạt gió, khi các con được chứng kiến tận mắt từ những cánh quạt chạy bằng gió sinh ra điện, các con đều cảm thấy rất thích thú và nhớ lâu. Hay như những tấm pin mặt trời, khi hấp thụ ánh nắng mặt trời sản sinh điện như thế nào… Tiếc là những mô hình này mới chỉ ở dạng đơn giản.
Ông Ninh cho rằng, việc chỉ giảng dạy thông qua các mô hình tĩnh và các clip cũng làm cho hiệu quả tuyên truyền không được như mong muốn. Mặc dù mới có TP.HCM đi đầu trong việc xây dựng một phòng thông tin tuyên truyền như thế này, nhưng theo ông Ninh, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền cần đầu tư bài bản hơn nữa cho các phòng, xây dựng các mô hình động sản sinh ra điện để làm giáo cụ trực quan cho khách tham quan. 
Cũng theo ông Ninh, nên tuyên truyền theo hướng nâng cao nhận thức để mọi người biết từ khâu sản xuất đến khâu truyền tải, những thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả. Khi người dân hiểu rõ sẽ biết cách sử dụng như thế nào cho tiết kiệm và an toàn. Đồng thời giáo dục sâu xa hơn về việc TKNL chính là góp phần bảo vệ môi trường, để mỗi người được sống trong môi trường xanh hơn, an toàn hơn.
Điều ông Ninh mong muốn cũng chính là trăn trở của những người có tâm huyết, mong muốn xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền bài bản, hiệu quả để mọi người dân, doanh nghiệp đều ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hồ Nga
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận