Trang chủ >> Tin tức - Sự kiện

Hoạt động của các tổ chức tư vấn tiết kiệm năng lượng trên địa bàn Đà Nẵng – Khó khăn và thách thức

Cập nhật lúc : 18:21 | 16/07/2023



Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030 đã được phê duyệt ngày 16/12/2020 tại Quyết định số 4929/QĐ-UBND.

Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu 5% so với dự báo tổng tiêu thụ năng lượng toàn thành phố trong giai đoạn 2020-2025. Tổng kinh phí dự kiến là 22.250 triệu đồng. Cụ thể, ngành Giao thông vận tải, tiết kiệm tối thiểu 2,58%; Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản tối thiểu 2,19%; Cơ sở công (tòa nhà trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, bệnh viện, trường học,..) tối thiểu 7,21%; Dân dụng sinh hoạt tối thiểu 2,20%; Chiếu sáng công cộng tối thiểu 20%; Thương mại dịch vụ tối thiểu 5,36%; Công nghiệp tối thiểu 6,92%. Đến năm 2030 đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu 7% so với dự báo tổng tiêu thụ năng lượng toàn thành phố trong giai đoạn 2020-2030.
 
Ngày 28/6/2023, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ trao giải thưởng "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023" cho 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất về tiết kiệm năng lượng trên địa bàn TP Đà Nẵng
Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng thì một trong những giải pháp quan trọng nhất của Thành phố là hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy các dự án đầu tư về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các hoạt động sản xuất, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, chiếu sáng công cộng, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình...
Tuy nhiên, mục tiêu là vậy, nhưng để triển khai thực hiện lại vô cùng khó khăn thách thức.

Thiếu nguồn lực để triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng
Theo khảo sát của Hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), tại Đà Nẵng có hai tổ chức công đang hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng (thuộc Sở Công Thương Đà Nẵng) và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ  Đà Nẵng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng); hiện tại chưa tổ chức tư nhân nào đăng ký hoạt động tại thành phố này.
Tại Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng, số lượng lao động đến thời điểm hiện nay là 36 người, trong đó có 07 người được biên chế cho hoạt động tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, sản xuất tiêu dùng bền vững (02 Kiểm toán viên năng lượng, 04 cán bộ đã được đào tạo về sản xuất sạch hơn, 03 người có hơn kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực này). Trong năm 2022, Trung tâm đã triển khai các nhiệm vụ chuyên môn với tổng giá trị 1,23 tỷ đồng, bao gồm: Tổ chức hội thảo về nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng (TKNL) và chia sẻ giải pháp TKNL; Tư vấn quản lý năng lượng cho 03 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Kiểm toán năng lượng cho 03 doanh nghiệp; Đo đạc cho 08 doanh nghiệp tại Bình Định và Quảng trị; Khảo sát 300 hộ dân tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng (theo chương trình phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA); Khảo sát 50 tòa nhà phi dân cư trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng (JICA); Phối hợp khảo sát các doanh nghiệp cung cấp năng lượng trên địa bàn thành phố (theo chương trình phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID); Phối hợp Kiểm toán năng lượng bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Tại Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ  Đà Nẵng, có 28 người, trong đó có 6 người được biên chế hoạt động TKNL. Mỗi năm cũng chỉ triển khai được khoảng 4-5 nhiệm vụ về TKNL do Thành phố đặt hàng và có làm thêm một số nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia do Bộ Công Thương giao, nhưng không đáng kể. Trung tâm hiện duy trì mảng dịch vụ về kiểm toán năng lượng, kiểm kê khí nhà kính và một số nhiệm vụ về môi trường.
Thông tin từ Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương Đà Nẵng cho thấy, hoạt động chính tại Đà Nẵng trong thời gian qua là truyền thông nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,  tổ chức hội nghị, hội thảo tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn cơ chế, chính sách và việc tuân thủ thực hiện quy định về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức hội chợ triển lãm về công nghệ, thiết bị TKNL; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và công nghệ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tòa nhà; hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, tư vấn phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh…
 
Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030 đã được phê duyệt nhưng vẫn còn thiếu nguồn lực để triển khai các hoạt động TKNL
 Các tổ chức tư vấn và  dịch vụ tiết kiệm năng lượng trên địa bàn Đà Nẵng chưa đủ kinh nghiệm và năng lực để tổ chức thực hiện các dự án TKNL ở giai đoạn đầu tư thực hiện các giải pháp TKNL.

Nhận diện khó khăn và thách thức
Một trong những nguyên nhân lớn nhất phải kể đến trước tiên là trong thời gian qua, nguồn nhân lực cho hoạt động TKNL bị biến động. Giai đoạn đầu, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đào tạo được một lực lượng cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng khá lớn. Tuy nhiên, do một thời gian dài Chương bị gián đoạn (giai đoạn 2015-2020), nguồn ngân sách cho các hoạt động TKNL không có, do đó, một số vị trí phải hoạt động kiêm nhiệm, người có tay nghề nghỉ việc, chuyển công tác, trong khi lại rất khó tuyển dụng được người mới. Dẫn đến tình trạng thiếu chuyên gia có kinh nghiệm và kỹ năng khi thực hiện các dự án TKNL tại địa phương,  như  đánh giá chất lượng các báo cáo kiểm toán năng lượng, năng lực tư vấn các giải pháp TKNL, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện định mức sử dụng năng lượng theo quy định của pháp luật…
Mặt khác, chưa có sự hợp tác liên doanh, liên kết giữa các tổ chức tư vấn để triển khai các hoạt động TKNL mang tính chất liên vùng, chuyển giao công nghệ TKNL. Các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác kiểm toán năng lượng được đầu tư từ giai đoạn đầu của Chương trình hiện đã lạc hậu, không còn phù hợp cũng chính là nguyên nhân khiến cho việc triển khai các hoạt động TKNL trên địa bàn Đà Nẵng còn nhiều hạn chế.
Khi khảo sát tại các đơn vị làm về TKNL trên địa bàn Đà Nẵng, còn nổi lên vấn đề chung là thị trường về TKNL đang bị cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng cho thấy, chính vì không có định mức giá, không có đánh giá chất lượng về báo cáo kiểm toán năng lượng, nên có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi thực hiện các dịch vụ cho khách hàng như kiểm toán năng lượng. “Các đơn vị nhà nước không thể cạnh tranh nổi với các đơn vị làm dịch vụ TKNL từ các địa phương khác về giá. Họ đưa ra những mức giá mà chúng tôi không thể làm được nếu triển khai thực tế. Vì vậy, doanh nghiệp ở Đà Nẵng, nhưng toàn đơn vị tư vấn ở nơi khác về làm” – bà Linh cho biết.
Không có quy định về đánh giá chất lượng báo cáo kiểm toán năng lượng, không có chế tài rõ ràng về các hành vi TKNL cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp có hiện tượng đối  phó với  hoạt động quản lý nhà nước khi triển khai các quy định pháp luật về TKNL.
Bên cạnh đó, mặc dù, kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đã được ban hành đồng bộ từ cấp quốc gia đến địa phương, Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương đã có sự quan tâm, tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận và triển khai các nội dung công việc từ Chương trình quốc gia. Nhưng hiện nay thủ tục đăng ký nhiệm vụ từ Chương trình chưa thực sự thuận lợi, nguồn kinh phí hạn hẹp khi phân bổ về các địa phương càng khiến cho việc triển khai các hoạt động TKNL tại Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết mức chi cụ thể từ ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ (mức chi) tại các địa phương. Do đặc thù và nguồn lực của từng địa phương là khác nhau, rất cần có một quy định thống nhất - ít nhất là về tỷ lệ - đối với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cấp trung ương và cấp địa phương đối với hoạt động hiệu quả năng lượng.
 
Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ là 1 trong 10 doanh nghiệp tiêu biểu nhất về tiết kiệm năng lượng trên địa bàn TP Đà Nẵng được vinh danh năm 2023
 
Tồn tại và kiến nghị
Chương trình VNEEP3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13 tháng 3 năm 2019 tại Quyết định số 280/QĐ-TTg. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Thông tư liên tịch số 45/2014/TTLT-BCT-BTC-BKHĐT ngày 28/11/2014 của liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 đã hết hiệu lực và chưa được thay thế, dẫn đến một số hoạt động trong Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030 chưa có cơ sở để bố trí kinh phí triển khai.
Một vướng mắc khác là việc Bộ Công Thương thường ban hành danh sách cơ sở năng lượng trọng điểm của năm trước vào quý IV của năm sau là chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc quản lý cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại địa phương.
Để khắc phục những tồn tại này, trước mắt cần sửa đổi bổ sung một số nội dung  sau:
-  Tăng tỷ lệ phân bổ kinh phí từ Chương trình VNEEP3 cho các địa phương; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
-  Điều chỉnh quy định thời gian ban Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn ngay từ đầu năm, đồng thời báo cáo, cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu năng lượng quốc gia;
-  Nâng cao năng lực cho các tổ chức dịch vụ TKNL tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức này được trang bị những kiến thức, kỹ năng và trang thiết bị cần thiết để thực hiện tốt việc tổ chức triển khai các chương trình/dự án TKNL tại địa phương. 

Hồ Nga
 

Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận