Trang chủ >> Tin tức - Sự kiện

Đổi mới hệ thống quản trị lấy khách hàng làm trung tâm và hoạt động tiết kiệm điện tại Tổng công ty Điện lực Miền Nam

Cập nhật lúc : 14:33 | 18/04/2023


Với hơn 83 tỉ kWh điện thương phẩm trong năm 2022, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là một trong số những đơn vị có doanh thu và hoạt động hiệu quả nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo báo cáo của EVNSPC, năm 2022, Tổng công ty đạt doanh thu 151,73 nghìn tỷ đồng, tăng 10,23% so với năm 2021. Năm nay, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 98%, vượt kế hoạch EVN giao 13%. Đặc biệt, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ điện có phát sinh chi phí đạt 99%, vượt kế hoạch EVN giao 55,7%.

Đổi mới mạnh mẽ công tác dịch vụ khách hàng
Là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, công tác dịch vụ khách hàng của EVNSPC trong năm 2022 tiếp tục có sự đầu tư và đổi mới mạnh mẽ. EVNSPC đã phát triển nhiều tiện ích để khách hàng có thể sử dụng thuận lợi, như: sử dụng các dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Website của EVNSPC, dịch vụ công cấp 4 tại các tỉnh/TP, ứng dụng di động thông minh, các nền tảng mạng xã hội …). Các dịch vụ điện được thực hiện mọi lúc, mọi nơi thông qua máy tính hay điện thoại thông minh, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các dịch vụ điện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội.
 
Công tác dịch vụ khách hàng của EVNSPC trong năm 2022 tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ
 
Việc Tổng công ty tập trung đẩy mạnh các dịch vụ điện điện tử, thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện đã được khách hàng đón nhận và ủng hộ. Tỷ lệ yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua Trung tâm CSKH, Trung tâm hành chính công, Dịch vụ công, giao dịch ký kết hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt mức tối đa 100%. Tỷ lệ khách hàng sử dụng các dịch vụ điện qua App CSKH/Zalo đạt 88,64% (vượt 23,64% so với kế hoạch).
Không chỉ là khách hàng cũ, khách hàng truyền thống, EVNSPC còn liên tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng mới giảm còn 2,56 ngày đối với điện lưới trung áp và thời gian cấp điện lưới hạ áp cho khách hàng sinh hoạt khu vực đô thị là 2,67 ngày, khu vực nông thôn là 3,10 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 3,4 ngày. Nhờ đó, trong năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng EVNSPC đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu được giao, cả về hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn dịch vụ khách hàng.

Chú trọng các giải pháp tiết kiệm điện
Tiết kiệm điện luôn là một trong những giải pháp song hành trong sản xuất kinh doanh của Tổng công ty xuyên suốt từ khi thành lập đến nay. Ngay từ đầu năm, Tổng công ty đã ban hành Văn bản số 562/EVNSPC-KD ngày 19 tháng 01 năm 2022 về việc Kế hoạch và giải pháp, định hướng nội dung thực hiện tiết kiệm điện năm 2022 tại các công ty điện lực, trong đó giao chỉ tiêu tiết kiệm 2,1% sản lượng điện thương phẩm cho tất cả các đơn vị. Trên cơ sở đó 21/21 công ty điện lực căn cứ nội dung Văn bản số 562 để xây dựng và triển khai Kế hoạch Tiết kiệm điện năm 2022 tại đơn vị mình.
 
 Năm 2022 EVNSPC đã tiết kiệm được 1.912 triệu kWh điện, tương ứng đã tiết kiệm 2,26% sản lượng điện thương phẩm
 
Ông Trần Hướng Dương -  Ban Kinh doanh, EVNSPC cho biết, năm 2022 EVNSPC đã tiết kiệm được 1.912 triệu kWh điện, tương ứng đã tiết kiệm 2,26% sản lượng điện thương phẩm, tăng 120 triệu kWh so với năm 2021.
“Trên thực tế vài năm trở lại đây, kinh phí cho chương trình khá eo hẹp. Do vậy, để chương trình thực hiện có hiệu quả, các công ty điện lực đã phối hợp với các đoàn thể tại địa phương để triển khai các hoạt động  truyền thông như: hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất, Phát động thi đua thực hành tiết kiệm điện Ấp/Tuyến phố tiết kiệm điện; gia đình tiết kiệm điện; trường học tiết kiệm điện… rồi tranh thủ lồng ghép nội dung thực hành, kiến thức tiết kiệm điện vào các cuộc thi đố vui, các hoạt động ngoại khóa…” – ông Dương chia sẻ thêm.
Riêng đối với chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) thì đối tượng là nhằm vào các khách hàng lớn nên hằng năm, Tổng công ty thực hiện báo cáo EVN về việc thống kê danh sách khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 3 triệu kWh trở lên năm, theo quy định, sau đó phối hợp với các cơ quan chính quyền, đoàn thể, các ban ngành địa phương tuyên truyền vận động khách hàng sản xuất công nghiệp, khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về Chương trình DR tự nguyện phi thương mại.
Nhờ tích cực chủ động và sáng tạo trong công tác tuyên truyền nên năm 2022, Tổng công ty đã ký thỏa thuận DR được với 1.857/1.882 khách hàng, đạt 98,6% (với đối tượng khách hàng sử dụng từ 3 triệu kWh/năm trở lên) và ký thỏa thuận với 3.358/3.384, đạt 99,2% (với đối tượng khách hàng mở rộng sử dụng từ 1-3 triệu kWh/năm).
Nhìn chung, sự quan tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đến tầm quan trọng của Chương trình DR trong cộng đồng xã hội cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, do hiện nay Việt Nam vẫn thực hiện Chương trình DR theo phương thức phi thương mại và tự nguyện (không dùng cơ chế tài chính) nên chưa nhận được sự đồng thuận cao của khách hàng. Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế tài chính cho các Chương trình DR thì mới đảm bảo Chương trình có thể thành công và đạt hiệu quả như mong muốn.
 
Sớm có cơ chế tài chính cụ thể cho doanh nghiệp
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022-2025 (Tờ trình số: 4398/EVN-KD, ngày 08 tháng 8 năm 2022).
Theo đó, mục tiêu của EVN đặt ra là, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn này; giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và DR, ít nhất 1.500MW vào năm 2025.
Theo ông Dương, EVNSPC sẽ tiếp tục là đơn vị đi đầu trong các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xã hội, chủ động triển khai các hoạt động tiết kiệm điện đến khách hàng và cộng đồng, hoàn thành các chỉ tiêu tiết kiệm điện do EVN giao hàng năm.
Về cơ chế chính sách, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO; cơ chế tài chính để hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm và thiết bị có hiệu suất cao; cơ chế tài chính cho EVN thực hiện các nội dung, chương trình về thúc đẩy thực hiện tiết kiệm điện và tuyên truyền tiết kiệm điện. Cho phép EVN được hạch toán các khoản chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện, chi phí tổ chức thực hiện DSM/DR vào chi phí sản xuất kinh doanh./.
Hồ Nga
 
         
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận