Trang chủ >> Tin tức - Sự kiện

Tăng cường trao đổi thông tin hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Cập nhật lúc : 11:16 | 28/10/2022

Ngày 26/10 tại Hà Nội, đoàn công tác của Bộ Xây dựng có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình đầu tư xây dựng và công tác quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng của EVN.
Làm việc với đoàn công tác có Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, Thành viên HĐTV EVN Nguyễn Đức Cường, các phó tổng giám đốc EVN và lãnh đạo các tổng công ty trực thuộc EVN.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: EVN)
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng nói riêng và các Bộ Ngành, Chính phủ nói chung đã hỗ trợ, cùng đồng hành với EVN trong công tác đầu tư xây dựng (ĐTXD) các công trình điện, góp phần giúp EVN hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ giao trong đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Một số quy định, hướng dẫn được điều chỉnh, ban hành kịp thời giúp công tác triển khai dự án được đẩy nhanh tiến độ, công trình sớm được đưa vào vận hành.
Tuy nhiên, trong quá trình EVN thực hiện các dự án vẫn gặp những khó khăn, điển hình là công tác quy hoạch chưa đồng bộ làm phát sinh nhiều vướng mắc khi thỏa thuận vị trí, hướng tuyến dẫn đến hồ sơ thiết kế phải điều chỉnh lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật hiện nay chưa rõ ràng, dẫn tới có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và quá trình phê duyệt của chủ đầu tư. Đặc biệt, công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án điện ngày càng khó khăn phức tạp, một số dự án vướng mắc trong việc bổ sung quy hoạch, đăng ký kế hoạch sử dụng đất, xác định nguồn gốc đất, chủ trương chuyển đổi đất rừng, bất cập về đơn giá bồi thường...
Thông qua buổi làm việc, EVN kiến nghị với Bộ Xây dựng các vấn đề liên quan về nội dung thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; tư vấn thẩm tra; thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng; nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở; điều chỉnh dự toán xây dựng công trình; công tác quản lý hợp đồng; định mức chi phí QLDA…
Đoàn công tác Bộ Xây dựng đã trao đổi về các vướng mắc, trả lời các kiến nghị của EVN và các đơn vị thành viên. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, EVN là một tập đoàn lớn, giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế. Với các khó khăn của EVN trong quá trình đầu tư xây dựng, Thứ trưởng đề nghị, cần tăng cường trao đổi thông tin qua tổ hợp tác của hai bên để nhanh chóng nắm bắt và xử lý. 
Đồng thời, đề nghị EVN cũng chủ động đề xuất trong triển khai cách làm; và phối hợp với các Vụ, Cục… của Bộ để cung cấp thông tin, giúp Bộ Xây dựng nghiên cứu, tổng hợp tình hình thực tiễn, từ đó có tham mưu tới Quốc hội, Chính Phủ để đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Thứ trưởng cũng ghi nhận và đề nghị EVN tiếp tục đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác ĐTXD. Đặc biệt, tiếp tục áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong quản lý ĐTXD.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác đầu tư xây dựng phát triển nguồn điện, lưới điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của EVN.
Hiện nay, EVN đang tập trung đầu tư 10 dự án nguồn điện với tổng công suất là 8.240MW, trong đó: 3 dự án được khởi công năm 2021 và đang triển khai thi công (Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng và Nhiệt điện Quảng Trạch 1); 7 dự án đang triển khai thủ tục đầu tư (gồm: Nhiệt điện Ô Môn III, IV; Nhiệt điện Dung Quất I, III; Nhiệt điện Quảng Trạch 2; Thủy điện tích năng Bác Ái; Thủy điện Trị An mở rộng).
Về đầu tư lưới điện, giai đoạn 2016 – 2022, EVN đã hoàn thành 1.440 dự án lưới điện cấp điện áp từ 110-500kV (bình quân 205 dự án/năm). Trong đó đã đưa vào vận hành tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ Pleiku vào miền Nam (năm 2016), đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi – Pleiku (năm 2022) để nâng cao năng lực hệ thống lưới điện truyền tải Bắc – Nam và nhiều dự án lưới quan trọng khác. Đến nay, hệ thống điện truyền tải 500-220kV đã phát triển đến 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Hiện tại, EVN và các đơn vị tiếp tục đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch được duyệt, trong đó tập trung đầu tư các dự án quan trọng phục vụ đấu nối, giải tỏa công suất nguồn điện, các công trình nhập khẩu điện từ Lào và các công trình cấp điện cho các khu vực có phụ tải lớn, tăng trưởng cao.
Phương Lan

Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận