Trang chủ >> Tin tức - Sự kiện

Đảm bảo điện cho phục hồi kinh tế còn không ít thách thức

Cập nhật lúc : 09:44 | 12/04/2022

Huy động vốn khó khăn, nguồn điện mới đi vào vận hành luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải, nhu cầu dùng điện tăng cao,..., là một số vấn đề nổi bật được các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành Điện", ngày 8/4, tại Hà Nội.
Hội thảo “Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành Điện” được tổ chức bởi Báo Đầu tư - Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm đánh giá cụ thể thực trạng đầu tư ngành Điện, dự báo những thách thức trong cân đối cung - cầu nguồn điện, những bất cập trong hoạt động đầu tư, qua đó thúc đẩy giải ngân dòng vốn.
Khó khăn hiện hữu
Theo ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hơn 2 năm đình trệ bởi dịch bệnh, nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng cao. Đặc biệt, hai năm 2022-2023 sẽ là cao điểm thực thi các gói giải pháp của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cũng là thời điểm được dự báo sẽ có sự tăng trưởng cao hơn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền Bắc (chiếm gần 50% tổng nhu cầu điện toàn quốc) tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải. Trong khi đó, việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV.
Không chỉ có vậy, theo tính toán Đề án Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, để đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành Điện cần đầu tư khoảng 13 tỷ USD/năm. Huy động và sử dụng hiệu quả số vốn này cũng còn đầy thách thức.
Hội thảo nhằm đánh giá cụ thể thực trạng đầu tư ngành Điện, dự báo những thách thức trong cân đối cung - cầu nguồn điện, những bất cập trong hoạt động đầu tư, thúc đẩy giải ngân dòng vốn vào các dự án điện.
Còn theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi - chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, để thu hút đầu tư thì khía cạnh lợi ích phải đặt hàng đầu, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân. Sẽ không thể thu hút đầu tư vào ngành Điện nếu không có cơ chế giá điện đủ hấp dẫn nhà đầu tư, từ đó khó đảm bảo an ninh trong cung cấp điện. "Trọng tâm nhất là phải có cơ chế giá, lần điều chỉnh gần nhất là năm 2019 trong khi giá đầu vào luôn biến động. Giá than, khí tăng cao, kéo chi phí đầu vào tăng chóng mặt", ông Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.
EVN nỗ lực ở mức cao nhất
Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để đáp ứng điện cho phục hồi phát triển kinh tế, EVN đang nỗ lực ở mức cao nhất. Trong đó, có việc đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện của EVN đầu tư, đưa vào vận hành đúng kế hoạch.  
Trong giai đoạn 2021-2025, EVN sẽ khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.240MW, trong đó hoàn thành đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.090MW. Đối với các công trình lưới điện, sẽ hoàn thành đưa vào vận hành 338 công trình 500-220kV, với tổng chiều dài khoảng 17.000km và tổng dung lượng TBA khoảng 86.000MVA. Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2021-2025 khoảng 600.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.
Dù vậy, việc triển khai các dự án điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như các quy định pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng còn thiếu đồng bộ; trình tự, thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư phải qua nhiều bước dẫn đến thực hiện thời gian kéo dài; khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng. Bên cạnh đó, công tác thu xếp, huy động vốn cũng gặp không ít thách thức.
Theo lãnh đạo EVN, Những tồn tại này cần được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện. Cụ thể, các bộ ngành, địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng; tăng cường thu xếp vốn cho các dự án điện; khuyến khích xã hội hoá đầu tư lưới điện đấu nối các nguồn điện để chia sẻ nguồn lực và đảm bảo đồng bộ, hiệu quả đầu tư các dự án…
Theo: EVN

Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận