Trang chủ >> Khoa học công nghệ

KHCN16. KINH NGHIỆM CỦA CÁC CÔNG TY DỊCH VỤ NĂNG LƯỢNG (ENERGY SERVICE COMPANY – ESCO) TẠI VIỆT NAM

Cập nhật lúc : 09:35 | 31/12/2021

Với xu hướng chi phí năng lượng tăng cao tại câc cơ sở sử dụng năng lượng, đầu tư vào tiết kiệm năng lượng ngày càng hấp dẫn. Và ESCO đang là một mô hình kinh doanh đầy tiềm năng trong tương lai.

Sau khi việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được luật hóa tại Việt Nam thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 28/06/2010, có hiệu lực thi hành từ năm 2011, khái niệm về  Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO - Energy Service Company) cũng ra đời. ESCO cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua Hợp đồng hiệu quả năng lượng chọn gói (EPC). Mô hình kinh doanh ESCO tốt sẽ đem lại hiệu quả to lớn, thúc đẩy hoạt động TKNL. Một trong những hình thức mà ESCO lựa chọn là cung cấp toàn bộ giải pháp từ khâu tư vấn, thiết kế, thi công – lắp đặt, vận hành, thu xếp tài chính, quản lý dịch vụ cho hệ thống năng lượng sau đầu tư, và chia sẻ lợi nhuận với khách hàng trên cơ sở hiệu quả tiết kiệm năng lượng mang lại. Hiện nay mô hình ESCO rất phát triển và trở thành giải pháp quan trọng để thực các Chương trình/Dự án TKNL tại nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

Tuy nhiên, tại Việt Nam mô hình ESCO đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, theo VECEA cho đến nay chưa có một tổ chức ESCO nước ngoài nào chính thức đăng ký hoạt động tại thị trường Việt Nam, phần lớn họ là những Nhà cung cấp thiết bị và thực hiện các giải pháp bảo trì, bảo dưỡng thiết bị sau bán hàng. 

Sau đây là ý kiến mà P/V ghi nhận được qua trao đối với một số tổ chức và cá nhân liên quan, đặc biệt lầ các Ý kiến được ghi nhận tại hội thảo “ESCO, mô hình kinh doanh trong tương lai của Việt Nam - Bài học rút ra từ các hoạt động/mô hình ESCO quốc tế và quốc gia” do Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành Năng lượng Việt Nam – EU (EVEF) phối hợp với Bộ Công Thương  đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 10/2020, và một số diễn đàn khác, sẽ cho độc giả cái nhìn tổng quan về thị trường ESCO tại Việt Nam.

Ông Trần Viết Nguyên – Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN

“Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về ESCO”

Trong khi Chính phủ chưa thống nhất về cơ chế tài chính cho hoạt động của các ESCO, thì các ngân hàng cũng rất e ngại trong việc cho ESCO vay vốn đầu tư các dự án Tiết kiệm năng lượng (TKNL). Rất mong, trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách thực sự thiết thực và phải giúp cho các ESCO ít nhất là thời điểm đầu để họ đứng vững mở rộng thị trường, lúc đó thị trường ESCO mới phát triển được.

Là đơn vị đã và đang triển khai các hoạt động TKNL, trong đó có mô hình ESCO, chúng tôi cho rằng, việc tuyên truyền đến người dân về các giải pháp TKNL còn rất hạn chế. Mặc dù EVN sẵn sàng tư vấn miễn phí, miễn sao ngày càng nhiều các doanh nghiệp quan tâm áp dụng các giải pháp TKNL, nhưng nếu chỉ riêng EVN làm công tác tuyên truyền thì không đủ. Mà các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, đặc biệt là các ESCO cần có thêm tiếng nói, hành động trong công tác tuyên truyền đi theo các dự án để giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng về những lợi ích của các giải pháp mà ESCO mang lại.

Ông Nguyễn Dương Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa – SolarBK

“Lựa chọn đơn vị thứ 3 để hỗ trợ các ESCO”

Muốn làm ESCO thì phải quyết tâm, nhưng cũng phải có năng lực. Nhà tư vấn phải sát cánh cùng khách hàng, cùng chấm thầu, cùng ký cam kết tiết kiệm với khách hàng. Bên cạnh đó, phải liên tục cập nhật các giải pháp công nghệ mới để tư vấn cho khách hàng.

Một mô hình tôi thấy cũng rất hay là lựa chọn đơn vị thứ 3 để hỗ trợ các ESCO yên tâm đầu tư như là ký qua EVN, qua ngân hàng. Có những đơn vị này bảo lãnh, chúng tôi sẽ yên tâm hơn, theo đó, Công ty ký với EVN để EVN tìm khách hàng, Công ty đến tư vấn, và cùng nhau chia sẻ lợi nhuận.

Một doanh nghiệp bước chân vào ESCO nếu thấy đảm bảo lợi nhuận thì bước vào, còn nếu tiếp tục đợi cơ chế thì không làm được. Do đó, chúng tôi chấp nhận cuộc chơi, tự đầu tư, không chờ nhà nước. Khi mình tự bỏ tiền đầu tư, thì bước khảo sát ban đầu sẽ rất kỹ, nhưng rủi ro là khi khảo sát đang là mùa đơn hàng, tức là không đúng năng lực của nhà sản xuất. Do vậy, ngay từ đầu anh phải cởi mở, đặt vấn đề rõ ràng với nhau, nếu khảo sát số liệu thực thì mới có kết quả tiết kiệm thực sự. Khi ta cam kết đảm bảo hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp họ nhìn thấy lợi nhuận thì kiểu gì người ta cũng làm và không lo thiếu thị trường.

Qua quá trình đi làm tư vấn, tôi cho rằng, quan trọng là giải pháp phải luôn luôn cải tiến, doanh nghiệp nào có nghiên cứu phát triển thì mới bền vững được. Do vậy, hàng năm SolarBK đã đổ rất nhiều tiền vào nghiên cứu phát triển, nhằm luôn đưa đến những giải pháp tiên tiến, hiệu quả nhất cho khách hàng. Cũng chính điều đó làm nên thương hiệu SolarBK.

TS. Nguyễn Thanh Quang – Công ty CP Đầu tư Công nghiệp XNK Đông Dương

“Doanh nghiệp chưa có khái niệm về ESCO”

Phát triển ESCO tại Việt Nam còn khá nhiều rào cản. Chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ, nhỏ lẻ theo từng địa phương. Chính phủ chưa có chính sách sử dụng các loại nhiên liệu đặc thù như rác công nghiệp, dân dụng. Thủ tục, giấy phép sản xuất điện cho doanh nghiệp nhỏ còn khó khăn.

Mặt khác, tại Việt Nam các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động phân tán và chưa có khái niệm về ESCO. Nhiều doanh nghiệp sợ lộ bí mật kinh doanh, sợ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nên không muốn tham gia ESCO. Dẫn đến nếu có tham gia thì thông tin ban đầu cũng không đầy đủ, chính xác nên ESCO đầu tư nhiều nhưng lợi nhuận không đạt như mong muốn. Trong các trường hợp tranh chấp hợp đồng các bên cũng thường ít đưa ra trọng tài kinh tế và thường là các ESCO chịu thiệt để giữ mối quan hệ. Đây chính là những rào cản phổ biến nhất với hoạt động của các ESCO tại thị trường Việt Nam cần được khắc phục trong thời gian tới, khi các cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh

“Cần xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp - công ty ESCO và các tổ chức tín dụng”

Để hình thành được Công ty ESCO tại Việt Nam thì phải hội tụ 3 điều kiện: Năng lực về tư vấn; Tài chính và Giải pháp công nghệ.

Thị trường cung cấp dịch vụ ESCO hiện nay có tiềm năng rất lớn và đang khởi sắc. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả ngoài việc lựa chọn công nghệ phù hợp, thoả thuận mức TKNL với đối tác, xác định thời gian thu hồi vốn, tính toán hiệu quả đầu tư... thì các công ty ESCO cần phải tìm hiểu kỹ về độ ổn định thị trường của doanh nghiệp bởi đây là yếu tố có tính rủi ro cao. Và hơn hết cần xây dựng được cơ chế chính sách hoàn thiện, các tiêu chí và thể chế tín dụng đi kèm; xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp - công ty ESCO và các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, Nhà nước và một số tổ chức tài chính cũng đã có nguồn vốn ưu đãi cho dự án TKNL, chúng ta có thể khai thác được, tuy nhiên, đó mới chỉ là số ít. Để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này cần triển khai những ưu đãi về thuế hoặc các chính sách khác phù hợp với các doanh nghiệp ESCO.

Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM)

“Hoạt động ESCO đang thiếu các giải pháp tài chính hiệu quả”

Chính phủ đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các chính sách về TKNL, tuy nhiên việc thi hành Luật còn thiếu đồng bộ và chưa triệt để. Thiếu các chính sách và chương trình khuyến khích từ Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc TKNL như giảm trừ thuế thu nhập từ TKNL, để tạo động lực cho doanh nghiệp tích cực tham gia. Chưa có chính sách rõ ràng, cụ thể liên quan đến thúc đẩy ESCO như thông tư hướng dẫn cụ thể..., mặc dù đã có những hoạt động nâng cao năng lực, mô hình trình diễn, hay  hướng dẫn về mẫu hợp đồng ESCO.

Bên cạnh đó, hoạt động ESCO đang thiếu các giải pháp tài chính hiệu quả và tin cậy, bền vững; Thiếu sự cam kết về tuân thủ ràng buộc từ chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ESCO, dẫn đến rủi ro cao cho các ESCO; Thiếu công cụ đo lường đánh giá hiệu quả chuẩn hoá trong dự án ESCO như là cơ sở thẩm định chi trả theo thoả thuận giữa các bên. Bản thân các ESCO cũng thiếu năng lực giao tiếp với tổ chức tài chính nên bị hạn chế tiếp cận về tài chính. Kết quả chia sẻ lợi nhuận bị phụ thuộc vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Chưa kể, công nghệ TKNL thay đổi và cập nhật liên tục cũng là trở ngại khi trong giai đoạn thu hồi vốn đối với ESCO.

Ông Toby D. Couture - Giám đốc E3 Analytics

“Chính phủ có thể gương mẫu đi đầu và đầu tư vào các ESCO”

Tại Mỹ, ESCO đã bắt đầu từ những năm 1980, dựa trên công thức “tiết kiệm chia sẻ”: Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) đề nghị sử dụng vốn của họ, đầu tư vốn và “chia sẻ” khoản tiết kiệm năng lượng với người thuê hoặc chủ sở hữu cơ sở sử dụng năng lượng. Lượng năng lượng thực tế tiết kiệm được được xác minh thường xuyên (ví dụ hàng tháng hoặc hàng năm), và được chia sẻ dựa trên một công thức đã thống nhất từ trước. Ban đầu, các ESCO ở Mỹ được sử dụng chủ yếu bởi các tổ chức công và được coi là một cách để chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân. Theo thời gian, các mô hình ESCO đã chuyển dần khỏi các mô hình “tiết kiệm chia sẻ” truyền thống (chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro) sang các mô hình “tiết kiệm đảm bảo” (người thuê nhà hoặc chủ sở hữu tòa nhà được đảm bảo mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu nhất định) và hiện đã trở thành tiêu chuẩn của ngành. Từ đó, việc áp dụng các mô hình ESCO đã lan rộng sang khu vực tư nhân.

Kể từ năm 1990, hơn 80% các dự án ESCO của Mỹ đã đạt hoặc vượt trên mức TKNL mục tiêu. Thị trường này đã đạt mức doanh thu ước tính hàng năm 7-8 tỷ USD từ năm 2017, với thời gian hoàn vốn ngày càng dài hơn. Chính phủ đóng một vai trò quan trọng bằng cách “gương mẫu đi đầu”, công bố kết quả của việc đầu tư vào sử dụng năng lượng hiệu quả, và nâng cao nhận thức (Chương trình Quản lý Năng lượng Liên bang).

Còn tại Trung Quốc, thị trường ESCO chiếm khoảng 60% doanh thu của thị trường ESCO toàn cầu. Ngành ESCO Trung Quốc sử dụng khoảng 400.000 lao động. Trái ngược với Mỹ và Châu Âu, nơi phần lớn khách hàng của ESCO thuộc khu vực công (tức là chính phủ), ở Trung Quốc và ở nhiều thị trường lân cận khác (như Thái Lan...), khách hàng chính của ngành ESCO là khu vực tư nhân. Kể từ năm 2011, các công ty ESCO được miễn một khoản thuế thu nhập đáng kể: Miễn 100% thuế trong ba năm đầu và 50% từ năm thứ tư đến năm thứ sáu. Điều này đã tạo ra động lực phát triển lớn cho thị trường, với số lượng ESCOs tăng từ 2.800 trong năm 2010 lên 3.900 vào cuối năm 2011. Tại Trung Quốc, hầu hết các dự án do ESCO tài trợ có thời gian hoàn vốn tương đối ngắn (3-5 năm), do rủi ro hoạt động và rủi ro phá sản vẫn cao hơn so với Châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, cũng giống như ở Việt Nam, Trung Quốc cũng đang thiếu cơ chế về tài chính, cơ chế chia sẻ lợi nhuận, trình độ chuyên gia và sự tin tưởng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp.

Vì thế, bài học cho Việt Nam là, đào tạo kỹ năng chuyên sâu là rất quan trọng. Chính phủ có thể gương mẫu đi đầu và đầu tư vào các ESCO và các dịch vụ sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời phải nghiên cứu, tổng hợp và giới thiệu dữ liệu về TKNL (và tiềm năng TKNL) của các ngành khác nhau để hỗ trợ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức. Chính phủ cũng cần đảm bảo sự bảo vệ bằng pháp luật đối với các Hợp đồng Hiệu suất Năng lượng (khung pháp lý). Việc hỗ trợ tài chính (bao gồm bảo lãnh khoản vay và các ưu đãi về thuế) có thể trở thành chất xúc tác giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường ESCO trong tương lai.

Ông Thomas K.Dreessen – Chủ tịch & CEO Tập đoàn EPS Capital, Chuyên gia tư vấn cao cấp về ESCO TKNL cho chương trình năng lượng các bon thấp UK-ASEAN (LCEP)

“Cần sửa đổi Nghị định 21 để bổ sung pháp lý cho các ESCO hoạt động”

Tôi cho rằng sửa đổi Nghị định số 21/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Nghị định 21) là giải pháp khả thi. Bởi Nghị định 21 được thiết kế nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, vận tải, xây dựng dân dụng, thắp sáng và hoạt động cộng đồng.

LCEP nhận thấy Nghị định 21 quá chung chung và không thuận lợi cho việc lồng ghép các quy trình cụ thể cần thiết để các cơ quan chính phủ vượt qua các rào cản nhằm giúp các ESCO tham gia xây dựng, cấp vốn và thực hiện các dự án TKNL trong các cơ sở công trên cơ sở “nhận phí từ các khoản tiết kiệm”.

Do đó, Nghị định cần được cân nhắc sửa đổi nhằm xóa bỏ nhiều rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp quốc gia bao gồm bổ sung các điều khoản pháp lý đối với hoạt động của các tổ chức ESCO phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Hoàng Lương – Giám đốc Viện KHCN quốc tế Việt Nam – Nhật Bản

“Các quy định về ESCO cần được luật hóa”

Hiện nay tại Việt Nam hoạt động ESCO mới là thỏa thuận giữa các bên, chủ yếu do doanh nghiệp và  tư vấn, hai bên thỏa thuận với nhau, chưa có quy định của Nhà nước hướng dẫn về việc đó. Vì vậy, trong sửa đổi Nghị định 21 có dự kiến thể chế hóa dịch vụ ESCO, đưa ra một số quy định, mẫu hợp đồng để chia sẻ lợi nhuận. Các quy định về ESCO cần được luật hóa, tư cách pháp nhân của ESCO phải rất rõ, để có cách phân định tài sản, chia sẻ lợi nhuận, đóng thuế…

Chúng ta hiện có hơn 60 trung tâm khuyến công nhưng trên thực tế chưa có đơn vị nào làm ESCO, mà chủ yếu làm truyền thông, đào tạo là những việc dễ nhất, còn việc chia sẻ lợi nhuận theo ESCO thì không làm được. Do đó, để triển khai được ESCO theo đúng nghĩa, chúng ta còn cần nhiều thời gian./.

Hồ Nga – Tạp chí Công Thương

Hội KH&CN sử dụng năng lượng TK&HQ Việt Nam

Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận