Trang chủ >> Khoa học công nghệ

KHCN09. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG CỦA VIỆT NAM

Cập nhật lúc : 09:45 | 27/12/2021

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) của ngành xây dựng rất lớn và có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả tổng thể chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của đất nước. Sau đây khái quát một số văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu về lĩnh vực này trong ngành xây dựng, nội dung cơ bản của kế hoạch ngành xây dựng triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về SDNL.TKHQ giai đoạn 2019-2030 (đã được ban hành theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ) và các nhiệm vụ chính, cũng là các giải pháp lớn của ngành xây dựng đang và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trong những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng cũng luôn đạt ở mức trung bình 10%/năm. Cùng với việc tăng trưởng kinh tế nhanh, nhu cầu về năng lượng của cả nền kinh tế nói chung và lĩnh vực xây dựng (bao gồm cả xây dựng dân dụng) nói riêng cũng tăng nhanh. Nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt nguồn cung năng lượng hóa thạch, gia tăng ô nhiễm môi trường và phát thải từ hoạt động sản xuất năng lượng, tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, tăng chi phí cho tiêu thụ năng lượng của người dân.

 Nhu cầu năng lượng sử dụng trong ngành xây dựng đã gia tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt là các khu vực đô thị. Tốc độ tỉ lệ tăng trưởng nhà ở và công trình công cộng trong giai đoạn 1996-2000 trung bình 12%/năm, giai đoạn 2000-2010 là khoảng 15% và cao hơn nữa trong giai đoạn 2010-2020. Chỉ tính riêng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có hàng trăm dự án các khu đô thị mới, cùng với các công trình nhà ở căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Nhiều công trình khách sạn cao tầng, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại có diện tích sàn sử dụng trên 10.000m2 và tiêu thụ điện năng lớn hơn 1 - 2 triệu KWh/năm. Tại các thành phố lớn cũng như các đô thị loại 1 và loại 2 khác trong cả nước đã xuất hiện rất nhiều công trình nhà ở chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, khách sạn 4 - 5 sao với số phòng lớn, các trung tâm thương mại siêu thị. Đây là những hộ tiêu thụ điện năng lớn cần được quản lý và có biện pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

Nhìn chung, năng lượng sử dụng trong hoạt động xây dựng chiếm 30-40% tổng năng lượng quốc gia. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành Xây dựng có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ về kinh tế-xã hội mà cả về môi trường. Từ gần 10 dự án trình diễn tiết kiệm năng lượng tại các công trình xây mới ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh do Vụ Khoa học-Công nghệ-Môi trường Bộ Xây dựng thực hiện với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (UNDP, USAID, IFC…), kết quả cho thấy nếu thực hiện tốt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2017/BXD) trong thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành công trình, năng lượng sử dụng trong cộng trình xây dựng có thể tiết kiệm được 15-30% (thậm chí 50% như tòa nhà FPT Đà Nẵng), trong khi chi phí đầu tư xây dựng tăng khoảng 1-3%, thời gian thu hồi vốn tối đa là 05 năm. Tính đến hết năm 2018, Việt Nam có 87 công trình đạt chứng nhận Công trình xanh của các tổ chức quốc tế, đó là các hình mẫu trong việc thực thi, tăng cường tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực tòa nhà.

Khung pháp lý, chính sách quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trong hơn 10 năm qua. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12)  được Quốc hội thông qua năm 2010 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật là khung pháp lý căn bản đưa ra các yêu cầu quy định để quản lý, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành xây dựng. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris của Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra các mục tiêu và giải pháp thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong lĩnh vực công trình xây dựng, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng đưa ra các quy định về khuyến khích, thúc đẩy phát triển các công trình, khu đô thị sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn I (Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006) và giai đoạn II (Quyết định số 1427/2012/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2012), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đặt mục tiêu giai đoạn 2019 - 2025 đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng, giai đoạn 2025 - 2030 đạt mức tiết kiệm năng lượng 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi là Nghị quyết số 55-NQ/TW) cũng đưa ra các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị trong việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam, bao gồm cả việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trên cơ sở các văn bản pháp lý và chính sách nêu trên, cùng với việc ban hành, triển khai thực hiện các quy định của QCVN 09:2017/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 1677/QĐ-BXD ngày 30/12/2020 phê duyệt Kế hoạch triển khai các nội dung, nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn từ năm 2020-2030 thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tập trung vào 03 lĩnh vực chính: công trình xây dựng dân dụng, cơ sở sản xuất ngành xây dựng và chiếu sáng công cộng.

Các mục tiêu, nội dung trong Kế hoạch của Bộ Xây dựng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 bám sát mục tiêu, nội dung của Quyết định số 280/QĐ-TTg và các văn bản liên quan:

  • Triển khai việc thực hiện các quy định của QCVN 09:2017/ BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
  • Xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
  • Thúc đẩy việc đổi mới công nghệ, cải tạo, tăng cường hiệu quả năng lượng trong các cơ sở sản xuất ngành xây dựng, các công trình xây dựng và chiếu sáng công cộng.
  • Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân so với giai đoạn 2015-2018 đối với ngành xi măng (tối thiểu 7,5% giai đoạn đến năm 2025; tối thiểu 10,89% giai đoạn đến năm 2030).
  • Mục tiêu đến 2025: Đạt được 80 công trình tiết kiệm năng lượng và công trình xanh.
  • Mục tiêu đến năm 2030: Đạt được 150 công trình tiết kiệm năng lượng và công trình xanh.
  • Mục tiêu đến năm 2030: Dán nhãn năng lượng cho 50% vật liệu xây dựng có yêu cầu cách nhiệt sử dụng trong công trình.

 Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Quốc hội, Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước, quốc tế để triển khai các nội dung nhiệm vụ sau:

            1. Xây dựng các quy định về khuyến khích công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng...

            2. Nghiên cứu soát xét, bổ sung, chỉnh sửa, biên soạn các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên như QCVN 09:2017/BXD, QCVN 16:2019/BXD... Với sự hỗ trợ của dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (dự án EECB – Bộ Xây dựng), Bộ Xây dựng đã tổ chức xây dựng được 11 tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, trong đó 05 tiêu chuẩn đã công bố, 06 tiêu chuẩn đang được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét tổ chức thẩm định, công bố.

            3. Nghiên cứu khảo sát, đánh giá tiêu thụ năng lượng một số loại hình công trình xây dựng theo quy mô và vùng miền, xây dựng dự thảo định mức sử dụng năng lượng các loại hình công trình này để trình Bộ Xây dựng xem xét công bố. Hiện đã khảo sát được 195 công trình và đưa ra dự thảo định mức sử dụng năng lượng cho 6 loại hình công trình là: trụ sở cơ quan nhà nước, văn phòng thương mại cỡ nhỏ, văn phòng thương mại cỡ lớn, trung tâm thương mại, khách sạn 2-3 sao, khách sạn 4-5 sao.

            4. Hỗ trợ các chủ công trình mới và công trình cải tạo trong việc áp dụng các giải pháp kiến trúc, lựa chọn vật liệu và thiết bị cơ điện nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD. Trong khuôn khổ dự án USAID giai đoạn 2014-2017 đã hỗ trợ được 11 công trình mới và cải tạo, dự án IFC giai đoạn 2012-2017 cũng đã hỗ trợ được 3 công trình mới và dự án EECB đã hỗ trợ được 22 công mới và công trình cải tạo.

            5. Tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức và kỹ năng cho các đối tượng có liên quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển công trình xanh.

            Trong thời gian tới, cùng với các hoạt động đang triển khai trong thời gian qua, Bộ Xây dựng sẽ mở rộng thêm các nội dung nhiệm vụ sau:

            (1) Tổ chức soát xét, bổ sung, chỉnh sửa QCVN 09:2017/BXD và đưa vào nội dung của Quy chuẩn về Nhà ở và công trình công cộng, dự kiến ban hành trong năm 2022.Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển công trình xanh.

            (2) Kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng mới theo hướng  sử dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, tiêu hao ít năng lượng, không cho phép sử dụng các công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và gây tác động xấu đến môi trường. Đầu tư, cải tạo, đổi mới công nghệ, dây chuyền, thiết bị sản xuất các dự án đang hoạt động nhằm sử dụng năng lượng tiết kiêm, hiệu quả, nâng cao chất lượng và tính cạnh trạnh của sản phẩm.

            (3) Xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng, bao gồm cả dữ liệu tiêu thụ hiện trạng và việc công bố định mức tiêu thụ năng lượng một số loại hình công trình để các chủ công trình có căn cứ tham chiếu và cải thiện hiệu quả năng lượng của công trình. Nghiên cứu xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho các loại hình công trình khác ngoài 6 loại hình đã được dự án EECB nghiên cứu.

            (4) Nghiên cứu xây dựng và ban hành định mức tiêu thụ năng lượng của một số lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

            (5) Thúc đẩy việc đánh giá, chứng nhận sản phẩm, vật liệu xây dựng xanh thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.

            (6) Nghiên cứu xây dựng Đề án của Chính phủ về phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2022, trong đó có các cơ chế, chính sách, lộ trình thích hợp với các loại hình công trình khác nhau để phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 80 công trình, đến năm 2030 có thêm 150 công trình được chứng nhận là công trình xanh.

            (7) Nghiên cứu xây dựng tiêu chí, quy định để đánh giá, chứng nhận khu đô thị xanh đáp ứng yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

            (8) Triển khai các nội dung thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong chiếu sáng công cộng.

            (9) Tiếp tục tổ chức các hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực nhận thức của các đối tượng có liên quan về sử dụng hiệu quả năng lượng. Định kỳ tổ chức sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam là rất lớn với chi phí đầu tư, cải tạo cho các hạng mục liên quan đến tiết kiệm năng lượng thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Với thực tế sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, số lượng công trình xanh ở Việt Nam mới ở mức trên dưới 200 công trình – tỷ lệ quá thấp so với số lượng công trình hàng năm được xây dựng mới, cải tạo và đưa vào sử dụng. Đây là cơ sở thực tế và cũng là yêu cầu phải thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển các dự án khu đô thị, công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, sản xuất, sử dụng các sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng góp phần thực hiện mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính của đất nước./.


Nguyễn Công Thịnh, BXD

và Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam


Tài liệu tham khảo:

1) http://www.seas.com.vn/vn/tin-tuc/8/tiet-kiem-nang-luong-trong-thiet-ke-va-xay-dung-cac-cong-trinh-cao-tang-va-thuong-mai-tai-viet-nam-.html

1) https://baotainguyenmoitruong.vn  

2) Đề xuất nội dung TKNL trong Luật Xây dựng sửa đổi, Báo cáo dự án UNDP, 1/2020.

Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận