Trang chủ >> Khoa học công nghệ

KHCN07. THỰC TRẠNG, THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN CỦA VIỆC TRIỂN KHAI ISO 50001 TRONG CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP

Cập nhật lúc : 09:33 | 27/12/2021

Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 là một công cụ hữu hiệu, góp phần quản lý năng lượng (QLNL) theo hướng bền vững. Tiêu chuẩn QLNL là cơ sở đặt ra yêu cầu để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cam kết cải thiện hiệu quả năng lượng một cách thường xuyên, liên tục. Tiêu chuẩn ISO 50001 có thể áp dụng không phụ thuộc vào qui mô của tổ chức, doanh nghiệp, dù là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh khái quát về Tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001, bài viết tóm lược thực trạng, thuận lợi và khó khăn cũng như đưa ra một số khuyền nghị thúc đẩy triển khai Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 cả đối với cơ quan quản lý Nhà nước và đối với doanh nghiệp.

1. Tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001

Trong doanh nghiệp được trang bị một hệ thống quản lý năng lượng (QLNL), hay nói cách khác, có QLNL bền vững thì suất chi phí năng lượng sẽ được giảm liên tục. Trong hệ thống này, hoạt động tiết kiệm năng lượng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Mục tiêu tiết kiệm năng lượng được thiết lập, đạt được bằng một chiến lược và các mục tiêu được nâng cao hơn và chương trình tiếp tục diễn ra. Lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp phải nhận thấy tầm quan trọng và hình thành một nhóm các chuyên gia nhằm đảm bảo sử dụng thích hợp năng lượng và đảm bảo tiết kiệm năng lượng. Hình 1 sau đây mô tả trực quan lợi ích của một hệ thống QLNL bền vững. 

Trên thế giới có nhiều tiêu chuẩn về hệ thống quản lý năng lượng đã được ban hành từ rất sớm, có thể kể ra như: tiêu chuẩn ANSI/MSE 2000:2000 của Hoa Kỳ, tiêu chuẩn DS 2403:2001 của Đan Mạch, tiêu chuẩn GB/T 23331:2009 của Trung Quốc, tiêu chuẩn EN 16001:2009 của Châu Âu…

Tháng 6 năm 2011, tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO 50001:2011, Hệ thống quản lý năng lượng – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng. Tiêu chuẩn này đưa ra mô hình về một hệ thống QLNL cùng các hướng dẫn sử dụng nhằm giúp tổ chức lập kế hoạch và quản lý sử dụng năng lượng một cách có hệ thống. Nó được thiết kế để tập trung vào việc cải tiến hiệu suất năng lượng, góp phần tăng cường hiệu quả năng lượng, đồng thời giúp sử dụng năng lượng một cách có kiểm soát.

Năm 2018 tiêu chuẩn ISO 50001:2011 được soát xét để sửa đổi, bổ sung thành phiên bản ISO 50001:2018. Với phiên bản cập nhật, ISO 50001 áp dụng cấu trúc cấp cao của hệ thống quản lý (HLS - High Level Structure), được thiết kế để có thể tích hợp nhiều hệ thống quản lý khác nhau (như quản lý chất lượng, quản lý môi trường...).

       Hình 1. Biến đổi của chi phí năng lượng khi có quản lý năng lượng bền vững

Tiêu chuẩn ISO 50001 có thể áp dụng cho bất cứ tổ chức nào, không phụ thuộc vào qui mô của tổ chức. Trong bối cảnh của Việt Nam năm 2021, có nghĩa là hơn 3000 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm hay tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng có thể áp dụng tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn ISO 50001 có thể được áp dụng một cách riêng biệt hoặc lồng ghép với các tiêu chuẩn quản lý khác. Tiêu chuẩn QLNL không mô tả các tiêu chí hiệu quả cụ thể mà nó đặt ra yêu cầu để các tổ chức tham gia cam kết cải thiện hiệu quả năng lượng sử dụng một cách thường xuyên.

Việc chứng nhận phù hợp với hệ thống QLNL theo ISO 50001 của một tổ chức chứng nhận độc lập không phải là yêu cầu bắt buộc của tiêu chuẩn này.

Bên cạnh tiêu chuẩn ISO 50001, các tiêu chuẩn khác liên quan đến QLNL cũng được tổ chức ISO xây dựng và ban hành. Một số tiêu chuẩn điển hình như sau:

  • ISO 50002: Kiểm toán năng lượng – Các yêu cầu kèm theo hướng dẫn sử dụng.
  • ISO 50003: Hệ thống quản lý năng lượng – Yêu cầu đối với tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá và chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng.
  • ISO 50004: Hướng dẫn thực hiện, bảo trì và cải thiện hệ thống quản lý năng lượng.
  • ISO 50006: Đánh giá hiệu suất năng lượng bằng cách sử dụng đường cơ sở năng lượng (EnB) và chỉ số hiệu suất năng lượng (EnPI) – Nguyên tắc và hướng dẫn chung.

Tiêu chuẩn ISO 50001:2018 dựa trên khuôn khổ cải tiến liên tục Hoạch định - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động (P-D-C-A) để cải thiện hiệu suất năng lượng một cách liên tục và kết hợp quản lý năng lượng vào thực tiễn hàng ngày của tổ chức. Hình số 2 sau đây mô tả chu trình Hoạch định - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động của Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018.

  • Hoạch định: hiểu bối cảnh của tổ chức, thiết lập chính sách năng lượng và đội QLNL, xem xét các hành động để giải quyết các rủi ro và cơ hội, tiến hành xem xét năng lượng, nhận biết việc sử dụng năng lượng đáng kể (SEU) và thiết lập các chỉ số kết quả thực hiện năng lượng (EnPI), các đường cơ sở năng lượng (EnB), các mục tiêu và chỉ tiêu năng lượng, kế hoạch hành động cần thiết để mang lại kết quả giúp cải tiến kết quả thực hiện năng lượng phù hợp với chính sách năng lượng của tổ chức.
  • Thực hiện: thực hiện các kế hoạch hành động, các kiểm soát vận hành và duy trì, trao đổi thông tin, đảm bảo năng lực và xem xét kết quả thực hiện năng lượng trong việc thiết kế và mua sắm.
  • Kiểm tra: theo dõi, đo lường, phân tích, đánh giá, kiểm toán và tiến hành đánh giá quản lý về kết quả thực hiện năng lượng và hệ thống QLNL.
  • Hành động: thực hiện các hành động để giải quyết sự không phù hợp và cải tiến liên tục kết quả thực hiện năng lượng và hệ thống QLNL                

                                

Hình 2: Chu trình Hoạch định - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động

Lợi ích của Tiêu chuẩn ISO 50001

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 giúp doanh nghiệp đạt được các lợi ích sau đây:

  • Tuân thủ các qui định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
  • Tiết kiệm được chi phí năng lượng nhờ đó giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh.
  • Sử dụng các nguồn lực có sẵn trong doanh nghiệp một cách hiệu quả.
  • Giảm liên tục mức năng lượng tiêu thụ trên đơn vị sản phẩm.
  • Giảm phát thải mà không gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành.
  • Chủ động kiểm soát chi phí năng lượng, giảm tác động khi giá năng lượng tăng.
  • Có hồ sơ ghi chép lại mức tiết kiệm để sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp và trình các cơ quan quản lý nhà nước theo Luật định.
  • Tạo hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh và sạch đối với công chúng, các đối tác kinh doanh, khách hàng và các nhà nhập khẩu.

2. Thực trạng triển khai hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam

2.1. Một số thành tựu

- Chính sách pháp luật, tiêu chuẩn

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010 và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 19/3/2011 đã qui định các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm phải áp dụng mô hình QLNL. Các nội dung chính của Mô hình QLNL được mô tả tại Điều 8 của Nghị định số 21/2011/NĐ-CP. Văn bản Luật không nói rõ doanh nghiệp phải tuân thủ theo tiêu chuẩn ISO 5000, tuy nhiên cấu trúc của mô hình QLNL đã mô tả trong Luật cũng tương thích với tiêu chuẩn hệ thống QLNL ISO 50001. Điều này là tiền đề để thúc đẩy các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001. Bộ Công Thương trong mấy năm trở lại đây cũng đã ban hành các Thông tư qui định định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như: ngành sản xuất giấy, ngành sản xuất thép, ngành sản xuất bia và nước giải khát … Trong các Thông tư đã qui định suất tiêu hao năng lượng cụ thể cho giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời cũng hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức xác định các suất tiêu hao năng lượng, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng hệ thống đo lường theo dõi tiêu thụ năng lượng và khuyến nghị áp dụng hệ thống QLNL theo ISO 50001.

Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn về hệ thống QLNL tương ứng tiêu chuẩn ISO 50001 cũng được xây dựng và ban hành. Bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 được ban hành năm 2012 và đến năm 2019 bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2019 được ra đời. Bộ tiêu chuẩn mới nhất TCVN ISO 50001:2019 hoàn toàn tương đương với ISO 50001:2018.

- Các chương trình hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001: Bộ Công Thương, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Sở Công Thương một số tỉnh thành phố… đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật giúp các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001. Một số tổ chức quốc tế cũng tổ chức các chương trình hợp tác nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng ISO 50001. Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã triển khai dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”, trong đó có hợp phần về nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp để áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001, thực hiện trong giai đoạn 2011-2015.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001, một số doanh nghiệp trong số đó đã đồng thời tổ chức đánh giá nhận chứng chỉ ISO 50001. Theo thống kê của tổ chức ISO, đến tháng 9/2021, Việt Nam đã có 74 đơn vị được cấp chứng chỉ ISO 50001. Một số đơn vị có thể kể đến như: Công ty Diesel Sông Công, Công ty Vinamilk, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi CP, Công ty CP lương thực thực phẩm Colusa-MILIKET, các công ty thuộc Tập đoàn Prime…

2.2. Một số thuận lợi

- Nhận thức của doanh nghiệp được nâng cao: qua hơn 10 năm thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001, nhận thức của doanh nghiệp về việc tiết kiệm năng lượng nói chung và áp dụng hệ thống QLNL nói riêng đã được nâng lên rất nhiều, đặc biệt tại các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Điều này có được là do công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Hầu hết tại mỗi cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đều đã bổ nhiệm ít nhất 1 cán bộ chuyên trách với chức danh Người QLNL. Các doanh nghiệp cũng đã hình thành Ban QLNL với sự tham gia và chịu trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao.

- Đòi hỏi thực tế đối với doanh nghiệp về tiết giảm chi phí năng lượng: giá năng lượng tăng cao, mức chi phí năng lượng lớn đòi hỏi doanh nghiệp liên tục phải kiểm soát và tìm cách áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

- Số lượng doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 ngày càng tăng và đa dạng về ngành nghề. Điều này tạo ra một xu thế cũng như là các điển hình để các doanh nghiệp khác học tập và làm theo.

- Yêu cầu thực tế từ thị trường: đối với doanh nghiệp gia công cho các nhãn hàng (như ngành dệt may, da giầy…); hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường yêu cầu cao về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thì việc xây dựng hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001 hoặc các tiêu chuẩn tương đương là một lợi thế cao, đôi khi là bắt buộc.

- Yêu cầu ngày càng cao của cơ quan quản lý nhà nước: các cơ quan nhà nước đã siết chặt việc kiểm toán năng lượng, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, kế hoạch sử dụng năng lượng hàng năm, 5 năm đã thúc đẩy việc chấp hành ngày càng nghiêm túc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các Thông tư qui định định mức tiêu thụ năng lượng cho nhiều ngành nghề được ban hành cũng thúc đẩy việc áp dụng tiết kiệm năng lượng, QLNL ngày càng thực chất hơn.

2.3. Một số khó khăn, hạn chế

- Chi phí đầu tư đáng kể: các chi phí cần thiết để xây dựng và áp dụng hệ thống QLNL theo ISO 50001 bao gồm như: chi phí tư vấn, chi phí cho các thiết bị đo đếm, chi phí đào tạo nhân lực, chi phí triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng… Chi phí này đối với các doanh nghiệp là đáng kể trong khi nhìn về ngắn hạn thì lợi ích trực tiếp chưa thấy rõ.

- Nhân lực hạn chế: trong các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm đều có các cán bộ, chuyên viên phụ trách kỹ thuật hoặc liên quan đến năng lượng. Tuy nhiên do số lượng nhân sự hạn chế, tại nhiều doanh nghiệp các cán bộ phụ trách kỹ thuật phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Do vậy việc bổ nhiệm 1 cán bộ chuyên trách thực sự về năng lượng hoặc lập 1 tổ/nhóm chuyên trách về năng lượng là khó khăn. Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng về tiết kiệm năng lượng, QLNL của phần lớn các nhân sự quản lý trong doanh nghiệp cũng hạn chế.

- Đội ngũ tư vấn áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 thiếu và yếu; thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng ESCO chưa phát triển cũng là những yếu tố gây trở ngại cho việc áp dụng hiệu quả hệ thống QLNL tại các doanh nghiệp.

3. Một số khuyến nghị thúc đẩy triển khai hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 trong công nghiệp

3.1. Khuyến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước

- Sớm xây dựng và ban hành đủ các tài liệu tiêu chuẩn Việt Nam về QLNL theo các tiêu chuẩn QLNL quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức liên quan trong việc triển khai hệ thống QLNL, đó là các tiêu chuẩn ISO 50002, ISO 50003, ISO 50004…

- Tổ chức xây dựng, biên soạn các tài liệu hướng dẫn chi tiết áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 cho các ngành nghề khác nhau.

- Xây dựng các chính sách ưu đãi: doanh nghiệp đã áp dụng tiêu chuẩn này được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi về tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tham gia các chương trình nâng cao năng lực…

- Tăng cường tổ chức các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ tư vấn xây dựng hệ thống QLNL theo ISO 50001, nâng cao năng lực cho các cán bộ QLNL tại các doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc tuân thủ các nghĩa vụ về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, trong đó có nghĩa vụ về áp dụng hệ thống QLNL.

3.2. Khuyến nghị với doanh nghiệp

- Hiện nay áp dụng hệ thống QLNL theo ISO 50001 đang trở thành xu thế trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Việc áp dụng nhanh và sớm tiêu chuẩn này đồng nghĩa giúp doanh nghiệp thêm lợi thế cạnh tranh.

- Sự hỗ trợ và tham gia mạnh mẽ của quản lý cấp cao là điều kiện tiên quyết và là chìa khóa thành công cho việc áp dụng các dự án hiệu quả năng lượng cũng như của hệ thống QLNL theo ISO 50001.

- Các doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 hoặc quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 thì việc tiếp tục áp dụng hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001 rất thuận lợi. Lý do là việc có sẵn nguồn nhân lực hiểu biết và quen với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, đồng thời tận dụng, kế thừa được nhiều nguồn lực có sẵn khác của các hệ thống quản lý chất lượng và môi trường (các tài liệu, thiết bị đo đếm…)

- Áp dụng hệ thống QLNL bên cạnh việc duy trì tiết kiệm năng lượng bền vững tại công ty còn mang lại hình ảnh tốt cho doanh nghiệp với cộng đồng và đối tác kinh doanh về trách nhiệm xã hội. Điều này chứng tỏ sự cam kết và tham gia của doanh nghiệp trong việc sản xuất bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường chung./.


Ths. Bùi Thanh Hùng - ĐHBK Hà Nội

và Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam

Tài liệu tham khảo

[1] Tiêu chuẩn ISO 50001:2018.

[2] Tài liệu về ISO 50001 của Dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng” của Tổ chức UNIDO. 2011-2015.

[3] Marvin T. Howell. “Effective Implementation of an ISO 50001 Energy Management System”. ASQ Quality Press, 2014.

[4] https://quacert.gov.vn/vi/iso-50001-va-tiet-kiem-nang-luong.nd150/thuc-day-hieu-suat-nang-luong-trong-cong-nghiep-thong-qua-toi-uu-hoa-he-thong-va-cac-tieu-chuan-quan-ly-nang-luong-tai-viet-nam.i402.html

[5] https://tietkiemnangluong.evn.com.vn/d6/news/Quan-ly-nang-luong-theo-ISO-50001-Doanh-nghiep-da-chu-dong-hon-115-109-6839.aspx 

Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận