Trang chủ >> Tin tức - Sự kiện

Ý tưởng học tập suốt đời cho Người quản lý năng lượng và Kiểm toán viên năng lượng là cần thiết?

Cập nhật lúc : 11:21 | 06/11/2021


Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải chỉ định Người quản lý năng lượng và bắt buộc phải thực hiện Kiểm toán năng lượng định kỳ 03 năm một lần theo quy định. Do đó vị trí của Người quản lý năng lượng (NQLNL) và Kiểm toán viên năng lượng (KTVNL) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoạt động sản suất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Dự án 4E do GIZ (Cơ quan hợp tác quốc tế CHLB Đức) tài trợ, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị tư vấn trong nước tổ chức nghiên cứu và phát triển Ý tưởng học tập suốt đời cho NQLNL/KTVNL (sau đây gọi là Ý tưởng 3L). Ý tưởng này bao gồm các đề xuất  thay đổi quy trình quản lý, tích hợp công cụ kỹ thuật số nhằm cải tiến quy trình tuyển hoc viên, cập nhật nội dung đào tạo và cấp Chứng chỉ đang được áp dụng hiện nay.

Sau đây là quan điểm của ông Bùi Thanh Hùng – Cán bộ giảng dạy thuộc Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội với vai trò vừa là một giảng viên vừa là một chuyên gia trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng về Ý tưởng 3L.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
PV: Xin ông cho biết quan điểm của ông về việc áp dụng ý tưởng 3L vào công tác đào tạo suốt đời phục vụ đối tượng là NQLNL và KTVNL có cần thiết và phù hợp với  hoạt động đào tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng tại Việt Nam?
Ông Bùi Thanh Hùng: Tôi rất ủng hộ ý tưởng này bởi nó thực sự rất cần thiết. Hoạt động QLNL và KTNL là hoạt động mang tính chuyên nghiệp, do đó cần được thường xuyên cập nhật thông tin mới, công nghệ mới, nâng cao kiến thức liên quan đến nghề để phục vụ cho NQLNL, đặc biệt là hoạt động tư vấn của các KTVNL.
Từ trước đến nay, chúng ta mới chú trọng đến hoạt động đào tạo cấp chứng chỉ lần đầu, chứ chưa có điều kiện chú trọng đến hoạt động cập nhật kiến thức cho học viên trong suốt quá trình làm nghề. Trong quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy nhu cầu được cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực TKNL rất nhiều. Đối với người làm nghề tư vấn cũng như các cán bộ quản lý năng lượng, việc nâng cao năng lực chuyên môn thông qua các khóa đào tạo là 1 kênh hiệu quả, thậm chí đối với nhiều đơn vị là 1 yêu cầu bắt buộc phải thực hiện hàng năm. Nhưng hiện nay rất hiếm đơn vị tổ chức các khóa tập huấn nâng cao như vậy, nên dù có nhu cầu, nhiều người không biết học ở đâu. Vì vậy, nếu Bộ Công Thương có thể xây dựng và duy trì được mô hình đào tạo suốt đời này sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho những người làm công tác tư vấn và quản lý năng lượng.
PV: Nội dung của các chương trình đào tạo NQLNL và KTVNL đã được xây dựng từ những ngày đầu Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP 1) đi vào hoạt động. Theo ông, hiện các chương trình này cần điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với mô hình đào tạo suốt đời?
Ông Bùi Thanh Hùng: Hoạt động QLNL và KTNL là hoạt động gắn với thực tế. Thực tế thay đổi liên tục thì chương trình đào tạo cũng cần có sự thay đổi tương ứng. 
Theo tôi, Bộ Công Thương nên thành lập một Hội đồng đánh giá gồm các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng có nhiệm vụ rà soát lại nội dung các chương trình đào tạo.
Với chương trình đào tạo cấp chứng chỉ lần đầu, hệ thống bài giảng đã xây dựng được hơn chục năm nay, cần rà soát để thay đổi, cập nhật công nghệ mới, kiến thức mới.
Với chương trình đào tạo suốt đời, có thể tổ chức các khóa tập huấn ngắn ngày, xây dựng các module chuyên sâu cho từng lĩnh vực, mỗi chuyên viên tư vấn ở ngành nào sẽ quan tâm theo học tập trung vào ngành đó, mỗi năm có thể lấy những chứng chỉ nhỏ chuyên sâu, để nâng cao kiến thức của mình trong các lĩnh vực.
Việc tổ chức các khóa học như vậy cũng không đơn giản, nhưng chúng ta vẫn phải làm nếu muốn hoạt động TKNL ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
PV: Theo ông, cách thức đào tạo so với phương pháp truyền thống hiện tại cần thay đổi như thế nào?
Ông Bùi Thanh Hùng: Trong hai năm đại dịch Covid-19, không chỉ chúng ta mà cả thế giới đều đã thay đổi phương thức đào tạo. Đào tạo online đang là xu hướng và ngày càng trở nên thông dụng hơn, do đó, chúng ta cũng không thể đi ngược lại xu thế.
Tuy nhiên, đào tạo KTVNL là một ngành đặc thù, bắt buộc phải có phần thực hành, thực nghiệm trên máy móc thiết bị, hay trong phòng thí nghiệm. Do đó, thời lượng học trực tuyến và trực tiếp cần phải phân bổ hợp lý.
Với các khóa học trực tuyến, nên xây dựng theo 2 hình thức:
+ Dạng thứ nhất, là xây dựng sẵn bài giảng dưới dạng video, học viên vào học theo chương trình có sẵn. Ví dụ, chương trình có 5 module, mỗi module học trong 30 phút đến 1 tiếng, sau đó làm bài tập. Thời gian học tập do học viên chủ động. Có thắc mắc gì gửi lên hệ thống, sẽ có đội ngũ trợ lý, giảng viên tương tác trả lời các câu hỏi của học viên. Đây là nội dung rất phổ biến hiện nay.
+ Dạng thứ hai, là có thầy giáo giảng trực tiếp, giảng viên và học viên học tương tác trực tiếp qua phần mềm dạy học online. Dạng này định kỳ được tổ chức, tùy theo đánh giá mức độ cần thiết và nhu cầu của người học.
Riêng với phần thực hành, theo tôi cần xem xét cân đối lại, ngoài thời gian thực hành trên máy móc thiết bị, cần giành nhiều thời gian hơn cho việc trao đổi, thảo luận; phân tích vấn đề; viết báo cáo. Hiện trong chương trình đào tạo KTVNL, thời lượng dành cho học viên rèn luyện kỹ năng viết báo cáo KTNL tương đối ít. Và trên thực tế làm việc, chúng tôi nhận thấy kỹ năng này ở các KTVNL đang còn yếu. Nhiều người rất khó khăn để xây dựng một báo cáo KTNL hoàn thiện.
Tôi cũng kiến nghị, Hội nghề nghiệp nên đứng ra chủ trì các khóa học chuyên sâu phục vụ đào tạo suốt đời. Lí do vì Hội là nơi tập hợp được đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, đồng thời cũng tiếp cận được sâu rộng các đối tượng sử dụng năng lượng - các doanh nghiệp. Do vậy Hội có nhiều khả năng xây dựng được các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu học viên.
PV: Với góc độ là một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực TKNL đã nhiều năm, theo ông, với ý tưởng 3L, Bộ Công Thương sẽ cần phân định vai trò của các đơn vị như thế nào?
Ông Bùi Thanh Hùng: Theo tôi, không nhất thiết Nhà nước phải đứng ra làm toàn bộ. Nhà nước chỉ nên nắm cái cốt lõi, còn lại phải huy động các thành phần khác cùng tham gia. Cụ thể đối với các chương trình đào tạo do Bộ Công Thương cấp chứng chỉ (Người QLNL và Kiểm toán viên NL), Bộ chỉ nên là đơn vị quản lý, gồm: quản lý các đơn vị tham gia đào tạo; quản lý chất lượng giảng viên; phê duyệt nội dung đào tạo; chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ cho học viên. Việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo thì giao cho các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và sẵn sàng tham gia hoạt động đào tạo. Các đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh, tổ chức đào tạo, tổ chức đội ngũ giảng viên đáp ứng các yêu cầu của Bộ Công Thương. Trên thực tế, hàng năm số lượng học viên có nhu cầu học để lấy chứng chỉ đào tạo lần đầu là không nhiều, nên khó tạo thành thị trường đào tạo, khó thu hút nhiều đơn vị tham gia tổ chức đào tạo.
Còn đối với các chương trình đào tạo nâng cao năng lực chuyên sâu theo mô hình học tập suốt đời thì có tiềm năng phát triển lớn. Sau hơn 10 năm hoạt động của chương trình VNEEP 1 và 2, đã đào tạo được đội ngũ vài nghìn cán bộ QLNL và vài trăm KTVNL. Trong số này chắc chắn nhiều người có nhu cầu được học tập nâng cao thường xuyên. Các cơ sở đào tạo muốn thu hút được học viên buộc phải xây dựng các module đáp ứng sát nhu cầu thực tế, chia nhỏ các lĩnh vực và đào tạo chuyên sâu. Hoạt động này nên để thị trường tự điều tiết. Nhà nước có thể thúc đẩy thời gian đầu thông qua các chính sách hỗ trợ người học và đơn vị giảng dạy.
Chúng ta cũng nên tận dụng hệ thống cơ sở dữ liệu mà các Chương trình VNEEP đã xây dựng được trong những năm qua, tận dụng nền tảng trang Veecom.vn  mà GIZ đã hỗ trợ đầu tư và đang vận hành để tổ chức đăng ký tuyển sinh, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến phục vụ chương trình…
Nếu phân cấp được rõ ràng như vậy, tôi tin chương trình học tập suốt đời trong lĩnh vực năng lượng sẽ thành công và mang lại hiệu quả cao cho xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Nga (thực hiện)
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận