Trang chủ >> Hội viên

EVNHCMC: Tăng tốc phát triển điện mặt trời

Cập nhật lúc : 08:49 | 08/07/2020

 
Ngành điện lực TP. Hồ Chí Minh đặt kế hoạch đến hết năm nay, đầu tư điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) toàn thành phố sẽ đạt công suất 200 MWp. 
 
Hiệu quả lớn trong phát triển ĐMTMN
 
Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Theo số liệu từ Chương trình Năng lượng xanh TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP. Hồ Chí Minh là rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN.
 
TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ điện cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Định hướng tăng tỷ trọng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sử dụng điện cho phát triển được TP. Hồ Chí Minh triển khai từ lâu và đã đạt được một số thành quả nhất định, đến nay tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng của thành phố.
Công nhân EVNHCMC thi công lắp đặt tấm quang điện cho khách hàng.
Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, thời gian qua, EVNHCMC đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển ĐMTMN tại thành phố. Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về các lợi ích của ĐMTMN; phối hợp với một số doanh nghiệp hỗ trợ lắp đặt thiết bị; thí điểm một số công trình trên địa bàn thành phố; tạo thuận lợi nhất về thủ tục cho người sử dụng khi lắp đặt ĐMTMN; phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) và Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HBA) triển khai các hoạt động tuyên truyền điện mặt trời trong các khu chế xuất, khu công nghiệp…
 
Với những giải pháp đồng bộ, tính đến hết tháng 5/2020, toàn thành phố đã có 7.341 công trình điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt 94,49MWp. Sản lượng điện năng phát lên lưới đạt 33,33 triệu kWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng).
 
Tiếp tục khuyến khích phát triển ĐMTMN
 
Dù có tiềm năng lớn song theo đánh giá của lãnh đạo EVNHCMC, hiện công suất lắp đặt trên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng điện mặt trời mái nhà của TP. Hồ Chí Minh (hơn 6.000MW). Đó là chưa kể, phần lớn công trình điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay đều do hộ gia đình đầu tư (chiếm 88% tổng số công trình), với quy mô nhỏ; tỉ lệ các doanh nghiệp tham gia vẫn còn thấp. 
 
Công tác phát triển ĐMTMN được nhận định là xu hướng của tương lai bởi bên cạnh các lợi ích về kinh tế còn giúp cho việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và giảm các tác hại về biến đổi khí hậu.
 
Ông Bùi Trung Kiên cho biết, để tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng ĐMTMN, EVNHCMC sẽ hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời. EVNHCMC cũng liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhà đầu tư điện mặt trời, các ngân hàng để phối hợp đề xuất cơ chế, chương trình (giảm giá, nâng thời gian bảo hành, chính sách ưu đãi về lãi suất, đầu tư trước trả tiền sau, …) để khuyến khích khách hàng trên địa bàn thành phố tham gia thực hiện. EVNHCMC cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà cung cấp để phục vụ khách hàng được tốt nhất.
 
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hệ thống điện mặt trời cũng đã đưa ra nhiều giải pháp đầu tư cho khách hàng là hộ gia đình và tổ chức, doanh nghiệp như phương thức đầu tư ESCO, tức là doanh nghiệp cùng đầu tư với khách hàng là tổ chức, với tỷ lệ góp vốn từ 70-100%, giải pháp phối hợp đầu tư và chuyển giao hệ thống... Nhiều tổ chức tín dụng cũng triển khai chính sách cho vay 70% chi phí lắp đặt đối với khách hàng với tài sản bảo đảm chính là hệ thống điện mặt trời áp mái.
 
Để phát triển chương trình ĐMTMN trong năm 2020, EVNHCMC đã thông qua Sở Công Thương kiến nghị với UBND TP tiếp tục có các cơ chế như: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng ĐMTMN; Cơ chế khuyến khích cho phép các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư lắp đặt các hệ thống ĐMTMN để sử dụng và bán lại phần còn dư cho ngành điện; Đưa việc lắp đặt ĐMTMN thành yêu cầu bắt buộc trong quy chuẩn xây dựng các tòa nhà có mái lớn (các chung cư, trụ sở, trung tâm thương mại, khách sạn...)
 
Đồng thời, EVNHCMC phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tiếp tục kiến nghị, đề xuất các Bộ Ngành liên quan có hướng dẫn đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai ĐMTMN như sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (tấm quang điện, inverter,…) để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Hướng dẫn về việc xử lý, tái chế tấm quang điện sau quá trình sử dụng. Nhanh chóng ban hành quy định pháp lý cho hoạt động của bên thứ ba (ESCO) tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và bán điện lại cho khách hàng... Từ đó, thúc đẩy ĐMTMN phát triển, tận dụng tốt hơn nguồn năng lượng vô tận mà thành phố đang sở hữu.
Qua khảo sát sơ bộ của EVNHCMC, tiềm năng lắp đặt ĐMTMN của một số nhóm như sau: hành chính sự nghiệp (bao gồm cả giáo dục, y tế, giao thông): 153,95 MWp; sản xuất: 1.471,77 MWp; thương mại: 145,88 MWp.
Theo Báo Công Thương
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận