Trang chủ >> Tin tức - Sự kiện

Hội nghị Tham vấn Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030

Cập nhật lúc : 15:49 | 21/11/2019

Sáng ngày 20/9/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Chương trình thúc đẩy Sản xuất và Tiêu dùng bền vững của Liên minh Châu Âu đồng tổ chức Hội nghị tham vấn Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020-2030.
Tham dự Hội nghị có ông Koen Duchateau, Trưởng phòng Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; các đại biểu đến từ các Bộ, Ngành, Sở Công Thương, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Hội nghị là một trong những hoạt động quan trọng của Bộ Công Thương nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao năm 2019 là xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio 1992, cộng đồng quốc tế đã khẳng định sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững.
 
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kế hoạch hành động quốc tế về SCP tiếp tục được phát triển tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững ở Johannesburg vào năm 2002. Hội nghị đã xác định thay đổi mô hình tiêu dùng như là một trong ba yếu tố chính để phát triển bền vững, cùng với hai yếu tố khác là xóa đói giảm nghèo, bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Để khởi động và thực hiện nỗ lực của các nước, Hội nghị kêu gọi xây dựng chương trình khung 10 năm về SCP nhằm hỗ trợ các sáng kiến khu vực và quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển dịch theo hướng SCP với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trong khả năng cân bằng của các hệ sinh thái thông qua việc cải thiện hiệu quả và tính bền vững việc sử dụng các nguồn lực, quy trình sản xuất và giảm thiểu suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động về SCP cấp khu vực cũng như đã và đang triển khai nhiều Chương trình/Đề án liên quan tới hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2016 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg, Bộ Công Thương, đơn vị được giao chủ trì thực hiện, đã cùng các Bộ, ngành, các địa phương chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2009 đến nay, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì triển khai 02 Chiến lược và Chương trình quốc gia về sản suất sạch hơn và tiêu dùng bền vững. Đến nay, 2 Chiến lược và Chương trình quốc gia đã được triển khai rộng khắp trên cả nước. Hiện có 47 trung tâm trên cả nước có hoạt động tư vấn, hỗ trợ sản xuất sạch hơn; gần 500 chuyên gia tư vấn về sản xuất sạch hơn; 45 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn; khoảng 150 tỷ đồng đã được dành cho thực hiện các hoạt động Sản xuất sạch hơn.
Bộ Công Thương cũng đã thành lập Văn phòng về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, trung tâm sản xuất sạch hơn và có trang thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc như thiếu kinh phí, chính sách cụ thể cho hoạt động sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững; hay những thách thức trong việc chuyển đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng hướng đến bền vững.
 
Bên cạnh đó, đến năm 2020, một số chương trình, chiến lược sẽ kết thúc, một số chương trình đã được ban hành mới như Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược bảo vệ môi trường, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc banh hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, việc Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững tiếp tục được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình nghị sự hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua việc xây dựng, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030.
Với các kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua của Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019.
Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian vừa qua, được sự hỗ trợ từ Liên minh Châu Âu, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030. Dự thảo Chương trình đề xuất các mục tiêu và các hoạt động nhằm tiếp tục triển khai đồng thời các hoạt động thúc đẩy sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Thông qua đó sẽ góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng đã có những góp ý quan trọng giúp hoàn thiện Bản dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030.
Sau khi tiếp thu và xem xét những góp ý này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉnh sửa trước khi tham vấn bằng văn bản đến các Bộ, ngành, các chuyên gia để hoàn thiện bản Dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo báo Bộ Công Thương Việt Nam
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận