Trang chủ >> Tin tức - Sự kiện

Nên sửa đổi Nghị định 21 hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như thế nào?

Cập nhật lúc : 15:24 | 21/11/2019

Trong khuôn khổ Hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu và tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thông qua Dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, GIZ hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 (NĐ 21) của Chính phủ qui định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nhằm tham vấn lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức và các chuyên gia liên quan, Bộ Công Thương phối hợp cùng GIZ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan đối với hoạt động trên trong tháng 11/2019.
Theo báo cáo của Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) - đơn vị tư vấn, thực hiện nội dung đề xuất sửa đổi/bổ sung NĐ 21, VECEA đã nghiên cứu số liệu cơ sở; rà soát, phân tích, đánh giá các văn bản quy phạm pháp/tài liệu luật liên quan đến hiệu quả năng lượng. Đồng thời, xây dựng phiếu khảo sát với 9 nhóm đối tượng liên quan, là các bộ, ban, ngành, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm công nghiệp và tòa nhà, tổ chức tư vấn và dịch vụ tiết kiệm năng lượng (TKNL), cơ sở thử nghiệm hiệu suất năng lượng, ngân hàng thương mại... 
Qua khảo sát, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) qua gần 9 năm thực thi đã bộc lộ những hạn chế. Việc sửa đổi Luật sẽ đòi hỏi thời gian trong khi những yêu cầu cấp bách từ thực tế cần được nhanh chóng giải quyết. Do đó, việc sửa đổi NĐ 21 để phù hợp với thực tế là việc làm rất thiết thực vào thời điểm này. Từ đó VECEA đề xuất sửa đổi 22/36 điều khoản và bổ sung 01 nội dung mới cho NĐ 21, làm cơ sở để các đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn góp ý, tranh luận.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia làm 3 nhóm để lấy ý kiến tập trung vào 3 lĩnh vực: Dán nhãn năng lượng và Dịch vụ tiết kiệm năng lượng; Quản lý cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Cơ chế chính sách và hoạt động kiểm tra, thanh tra hoat động TKNL.
Sau phần tranh luận sôi nổi, đại diện các nhóm đã có những ý kiến chính thức góp ý phần sửa đổi NĐ 21 do VECEA đề xuất.
Ông Đặng Hải Dũng – Vụ TKNL và PTBV, chủ trì Nhóm 1: Cần sự phối hợp chặt chẽ để đưa ra bộ dữ liệu hoàn chỉnh liên quan đến QLNL
 
Ông Đặng Hải Dũng
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương, EVN, Tổng cục thống kê để đưa ra bộ dữ liệu hoàn chỉnh liên quan đến quản lý năng lượng (QLNL). Bởi thế mạnh của Tổng cục thống kê là thu thập dữ liệu, nhưng liên quan đến phân tích dữ liệu lại là thế mạnh của Bộ Công Thương. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tính hệ thống, chính xác của số liệu. Trong NĐ sẽ phải chỉ ra cụ thể để duy trì được việc thu thập và phân tích số liệu.
 
Nhóm 1 thảo luận về nội dung Dán nhãn năng lượng và Dịch vụ tiết kiệm năng lượng
Bên cạnh đó, việc áp dụng  định mức để phân loại cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đối với ngành Xây dựng như hiện nay là chưa khớp với Quy chuẩn 09-2017 của Bộ Xây dựng. Do đó, thay vì qui định cứng 500 TOE tiêu thụ năng lượng trong Quy chuẩn thì đối với các tòa nhà trọng điểm, việc phân loại nên theo m2,  qui định lớn hơn hoặc bằng 2.500 m2 là tòa nhà sử dụng năng lượng trọng điểm, như vậy cũng phù hợp với qui chuẩn nhà nước ban hành.
Trong lĩnh vực dán nhãn năng lượng, về phương tiện thiết bị đã khá ổn định. Tuy nhiên việc dán nhãn cho các vật liệu xây dựng (VLXD) hoặc các sản phẩm VLXD có yêu cầu cách nhiệt, hoặc chứng nhận dán nhãn tòa nhà sẽ chuyển sang chứng nhận hiệu quả năng lượng cho công trình hoặc công trình xanh.
Ông Trịnh Quốc Vũ  – Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và PTBV, chủ trì Nhóm 2: Xem xét qui định lại mức tiêu thụ năng lượng của các cơ sở SDNL trọng điểm, đảm bảo tính khả thi
 
Ông Trịnh Quốc Vũ
Qua gần 9 năm thi hành Luật SDNLTK&HQ, công tác xây dựng  luật pháp trong lĩnh vực TKNL chúng ta đã làm tương đối tốt, nhưng công tác triển khai, giám sát thực hiện và đặc biệt là thanh kiểm tra ở các địa phương còn rất yếu. Do đó, trong NĐ 21 sửa đổi cần được qui định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các đối tượng  áp dụng bởi NĐ, cũng như cho cơ quan đơn vị có chức năng quản lý giám sát việc thực thi NĐ 21 nhằm ràng buộc trách nhiệm thực thi Luật SDNLTK&HQ.
Cần xem xét qui định lại mức tiêu thụ năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng ở mức nào thì cần đánh giá căn cơ để đảm bảo tính khả thi của NĐ, đảm bảo việc quản lý giám sát và thực thi các chế tài của các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương. Năm 2018, Vụ TKNL và PTBV đã khảo sát gần 10.000 cơ sở sử dụng năng lượng lớn từ qui mô từ 300 TOE trở lên để làm căn cứ phân tích sự ảnh hưởng của việc qui định mức sử dụng năng lượng trọng điểm, ở mức bao nhiêu là phù hợp, với mục tiêu phủ được khoảng 60-65% tổng tiêu thụ năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trên phạm vi toàn quốc.
 
Nhóm 2 thảo luận về nội dung Quản lý cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
Tiêu chí cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cần cân nhắc theo qui mô sản xuất, hay tiêu chí nào để phù hợp; Có thể miễn trách nhiệm kiểm toán năng lượng (KTNL) cho các cơ sở đã xây dựng và được chứng nhận ISO 50001 là tiêu chuẩn QLNL quốc tế… Đưa hiệu lực của báo cáo KTNL từ 3 năm lên 5 năm để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện hết các giải pháp TKNL đã được đề cập trong các báo cáo KTNL, tăng tính hiệu quả và ý nghĩa của báo cáo KTNL. Tham khảo các mô hình ESCO trên thế giới.
Mặt khác, cần tăng cường công tác tin học hóa trong báo cáo và kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Quy định thời gian báo cáo kiểm toán năng lượng (KTNL) là 5 năm cho phù hợp với tình hình thực tế.
Xem xét đưa sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp như hội, hiệp hội vào giám sát cùng với cơ quan quản lý ở địa phương trong lĩnh vực tuân thủ Luật và các văn bản pháp luật về SDNL TK&HQ.
PGS.TS. Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, chủ trì Nhóm 3: Toàn xã hội phải nhận thức và cùng TKNL

PGS.TS. Trương Duy Nghĩa
Mong muốn khi sửa đổi NĐ 21 phải lồng được vào các nội dung thể hiện tính pháp lý, tính chế tài của Luật SDNLTK&HQ, doanh nghiệp phải có trách nhiệm, thậm chí phải bắt buộc áp dụng, nếu không áp dụng phải có biện pháp xử lý và khi cần thiết phải xử lý hình sự.
Đồng thời, trong lần sửa đổi này, cần xây dựng được các định mức sử dụng năng lượng cho tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Chúng ta mới khoanh lại ở mức quản lý bắt buộc  hơn 20%  đơn vị sử dụng năng lượng lớn, trọng điểm, số đó chưa đủ, chúng ta cần phải quản lý được 50%, thậm chí cao hơn. Phải coi đây là vấn đề của cả quốc gia, toàn xã hội phải nhận thức được việc này để cùng TKNL. Nếu cần thiết, phải bổ sung nhiều điều nữa để thể hiện NĐ 21 là vấn đề chung của cả nước và cả nước phải vào cuộc trong chuyện này.
Cần hiểu chữ SDNL ở đây không hoàn toàn là năng lượng thứ cấp mà cả nguồn năng lượng sơ cấp nữa. Anh đã sử dụng năng lượng thì anh phải có trách nhiệm nghĩ đến việc TKNL. Do đó,  đây không chỉ là tiết kiệm trong sử dụng, mà phải cả tiết kiệm từ những nhà máy sản xuất năng lượng. Ví dụ, nhà máy nhiệt điện phải tiết kiệm than, như thế sẽ có ý nghĩa rất lớn.
Nhóm 3 thảo luận về nội dung Cơ chế chính sách và hoạt động kiểm tra, thanh tra hoạt động TKNL
Thống nhất tất cả các biện pháp quản lý, cũng như KTNL. Vì nếu cách tính không thống nhất thì kết quả cũng không chính xác và đôi khi ta không đánh giá được hiệu quả SDNL. Đặc biệt, cần sử dụng các phương pháp tính toán qui đổi về một tấn nhiên liệu qui ước để đánh giá chung về mức độ tiết kiệm.
Đối với tòa nhà, diện tích mới chỉ là một khía cạnh và chưa đầy đủ, phải tính cả đến số nhân khẩu trong tòa nhà đó, tránh tình trạng cấp cho chỉ tiêu năng lượng cao quá, tạo điều kiện cho họ sử dụng lãng phí. Ví dụ, tòa nhà 500 m2 chỉ có 5 người khác với tòa nhà 50m2 mà có 10 người. Mặc dù ngành Điện có tính giá điện theo bậc thang, dùng nhiều trả tiền nhiều, nhưng định mức cũng là cần thiết và phải kết hợp cả diện tích + nhân khẩu trong tòa nhà.
Chất lượng báo cáo KTNL đang bị buông lỏng, không có ai thẩm định, đánh giá và phản hồi lại cho doanh nghiệp. Do đó, trong NĐ 21 sửa đổi, có thể đề xuất xây dựng báo cáo về hiện trạng TKNL quốc gia, đi vào cụ thể luôn chung cả nước và từng ngành, ngành nào tiết kiệm như thế nào, được bao nhiêu…
Hiện nay, các nguồn quỹ dành cho doanh nghiệp vay để triển khai các giải pháp TKNL được đánh giá là không hấp dẫn, doanh nghiệp cho rằng lãi suất cao quá, như lãi suất thương mại, không khuyến khích nên cần nghiên cứu, tác động sao cho thể hiện tính khuyến khích thì doanh nghiệp mới tham gia được.
Sau khi nghe tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, ông Trịnh Quốc Vũ  – Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và PTBV cho biết, Bộ Công Thương tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của đơn vị tư vấn và các đại biểu tham gia Hội thảo.
Dự kiến, việc sửa đổi, bổ sung NĐ 21 sẽ được Vụ đưa vào chương trình nhiệm vụ năm 2021, làm cơ sở cho các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan.
Luật SDNL TK&HQ số 50/2010/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7, thông qua ngày 17/6/2010 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.
Ngày 29/3/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2011/NĐ-CP (NĐ 21) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật SDNL TK&HQ. 
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia SDNL TK&HQ giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3), thực hiện trong 2 giai đoạn, từ 2019-2025 và 2026-2030. Chương trình đặt ra mục tiêu đạt được mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025 và 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2030.
Hồ Nga - Báo Công Thương
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận