Trang chủ >> Khoa học công nghệ

Sử dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản

Cập nhật lúc : 14:32 | 31/05/2018

 
Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Cụ thể, năng lượng để phục vụ khâu bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc môi trường và các hoạt động khác chiếm khoảng 10% chi phí đầu tư. Trong đó, điện năng là dạng năng lượng chính dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2017, điện năng cung cấp cho nuôi trồng thủy sản tăng rất cao. Công suất phụ tải tăng bình quân 9,55%, từ 7.780 MW (năm 2015) lên 9.529 MW (năm 2017) với tốc độ tăng trưởng bình quân điện thương phẩm 10,8%. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cấp điện cho các khu vực nuôi trồng thủy sản, cụ thể là nuôi tôm ở miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hụt một phần do đặc thù lưới điện khu vực nông thôn trước đây chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện 3 pha để sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản.
Chính vì vậy, việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng với quy mô phù hợp, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện sản xuất, giảm chi phí sản xuất, góp phần thúc đẩy và phát triển bền vững ngành nuôi trồng tôm.
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết: “EVNSPC hiện đang khảo sát, nghiên cứu phương án tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời với bộ động cơ của dàn quạt trong nuôi tôm. Để đảm bảo cấp điện nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam, EVNSPC đã cân đối và thu xếp nguồn vốn, ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn nhằm chống quá tải, kết hợp cung cấp điện tại một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm.”
Được biết, EVNSPC cũng đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ các hộ nuôi tôm sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn trong sản xuất. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn và đang tiếp tục gia tăng, nên dù đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng và có nhiều giải pháp, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong bối cảnh đó, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió phù hợp sẽ là những giải pháp khả thi, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp điện sản xuất, thúc đẩy sự phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. 
Hà Nguyễn
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận