Trang chủ >> Khoa học công nghệ

CPCEMEC: Đưa các giải pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh điện năng và Smart Grid

Cập nhật lúc : 13:48 | 28/02/2018

 
Năm 2017 tiếp tục là một năm đạt được nhiều kết quả ấn tượng của Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) trong việc nỗ lực đưa các giải pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh điện năng và Smart Grid của EVNCPC và các Công ty Điện lực bạn.
CPCEMEC: Đưa các giải pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh điện năng và Smart Grid.

Minh họa ứng dụng công nghệ của CPCEMEC trong Smart-Grid
Đầu tiên phải kể đến là hệ thống RF-Spider, đến 31/12/2017, CPCEMEC đã và đang tiếp tục triển khai, vận hành, theo dõi hệ thống RF-Spider của 13 Công ty Điện lực thành viên EVNCPC, trong đó có 7.945 trạm đã hoàn tất triển khai với tổng số 1.710.339 khách hàng, tỷ lệ online toàn EVNCPC đạt hơn 99%; 09 khu vực, thành phố đã khánh thành hệ thống RF-Spider trong toàn Tổng công ty. Bên cạnh đó, CPCEMEC đã triển khai hệ thống này tại các Công ty Điện lực ngoài EVNCPC gồm: PC Lạng Sơn, PC Hưng Yên, PC Phú Thọ, PC Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai, PC Duyên Hải và PC Bolikhamxai tại Lào.
Một hệ thống kết hợp với dữ liệu hệ thống RF-Spider tạo nên một ứng dụng hữu ích đó là hệ thống Spider-Gis, đây là hệ thống thông tin địa lý được phát triển trên nền Web dựa trên bản đồ vệ tinh, địa hình hoàn toàn miễn phí của Google nhằm quản lý các đối tượng thuộc hạ tầng mạng lưới điện theo cả không gian và thuộc tính một cách trực quan. Thông qua hệ thống Spider Gis, người quản lý vận hành có thể xem toàn sơ đồ lưới điện của từng đơn vị trên nền bản đồ, mối liên kết giữa vị trí các cột trong từng trạm, từng xuất tuyến. Ngoài ra, việc tìm kiếm thông tin về vị trí, chỉ số, thông tin khách hàng, router, trạm theo từng trụ, cột được thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng, kết hợp với dữ liệu thu thập từ hệ thống RF-Spider, các điểm đo có dữ liệu offline, có cảnh báo sự cố bất thường đều được biểu thị trên bản đồ GIS một cách trực quan với đầy đủ các thông tin về vị trí địa lý, thông tin khách hàng, chỉ số và sản lượng, mối liên kết của điểm đo tới các điểm đo khác... Nhân viên xử lý sự cố hoàn toàn có thể sử dụng chức năng chỉ đường đến vị trí điểm đo offline trên hệ thống nhờ việc theo dõi thường xuyên trạng thái lưới điện. Người vận hành có thể nhanh chóng phát hiện sự cố các điểm đo có hiện tượng bất thường trên màn hình giám sát, phát hiện các khu vực có điện áp yếu, mất cân bằng pha, các điểm đo về dữ liệu không ổn định… để tiến hành xử lý kịp thời. Trong năm 2017, hệ thống Spider-GIS do CPCEMEC xây dựng và phát triển đã được triển khai hoàn tất tại 2.514 trạm với 390.229 khách hàng tại 10 Công ty Điện lực; có 5 trong 9 khu vực, thành phố khánh thành RF-Spider đã triển khai Spider-Gis.
Hệ thống MDMS đang tiếp tục được CPCEMEC hỗ trợ, phối hợp các đơn vị PC Khánh Hòa, PC Đà Nẵng, CGC, CPCIT triển khai thu thập, đồng bộ dữ liệu, tích hợp các chủng loại công tơ mới, theo dõi, vận hành đảm bảo số liệu ổn định.
Cùng với việc triển khai các hệ thống điện mặt trời áp mái theo chỉ đạo của EVNCPC, CPCEMEC cũng đã phát triển và đưa vào ứng dụng Hệ thống giám sát năng lượng mặt trời lắp mái và năng lượng tòa nhà HEMS. Hệ thống này có tính năng đo đếm và thu thập các thông số của hệ thống điện mặt trời lắp mái thông qua hệ thống công tơ điện tử đo đếm 2 chiều do CPCEMEC sản xuất; cung cấp cho khách hàng những thông tin trực quan về hệ thống điện mặt trời qua giao diện chương trình MDMS; thu thập các thông số một cách tức thời, đồng thời lưu trữ số liệu đo đếm và biểu đồ phụ tải theo chu kỳ tích phân thông qua modem RMR Turbojet. Trong năm 2017, hệ thống này đã được triển khai tại các khách hàng và địa điểm đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới. Số liệu hệ thống tại các khách hàng này được theo dõi và cập nhật hằng ngày. CPCEMEC đang tiếp tục triển khai hệ thống tại trụ sở của 7 đơn vị thuộc dự án “Lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các cơ sở Điện lực - giai đoạn 1” gồm: PC Bình Định, PC Phú Yên, PC Gia Lai, PC Đăk Lăk, PC Đăk Nông, PC Kon Tum, CGC, dự kiến tháng 2/2018 hoàn thành. Tiếp tục triển khai hệ thống này tại trụ sở của PC Khánh Hoà, PC Đà Nẵng và 115 điểm thuộc 12 đơn vị thuộc dự án “Lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các cơ sở Điện lực - giai đoạn 2” trong năm 2018.
CPCEMEC cũng đã nghiên cứu và triển khai thành công Hệ thống giám sát chất lượng lưới điện hạ thế. Hệ thống gồm nhiều thiết bị giám sát chất lượng lưới điện kết nối với nhau và kết nối với phần mềm quản lý tạo nên một hệ thống giám sát chất lượng điện năng theo thời gian thực, cung cấp cho người quản lý vận hành một công cụ giám sát thông số vận hành lưới điện, từ đó nắm bắt được tình hình chất lượng lưới điện/nguồn điện để giúp Công ty Điện lực ra quyết định kịp thời trong công tác điều độ hệ thống điện nhằm mang lại nguồn điện chất lượng cao phục vụ sản xuất và đời sống. Thiết bị giám sát chất lượng lưới điện do CPCEMEC nghiên cứu, sản xuất với thiết kế nhỏ gọn tương đương một công tơ 3 pha kết hợp với các biến dòng dạng kẹp, có khả năng phát hiện các bất thường của lưới điện/nhánh rẽ chẳng hạn như cao áp/thấp áp, non tải/đầy tải, sốc nguồn, mất điện áp pha, hệ số công suất không đảm bảo,… Hệ thống hiện đã triển khai tại PC Thái Nguyên với 131 TBA, Điện lực Khe Sanh - PC Quảng Trị, Điện lực Chư Păh - PC Gia Lai, Điện lực Phú Tài - PC Bình Định, Điện lực Đông Hòa - PC Phú Yên. Qua thời gian vận hành, hệ thống cho phép các Công ty điện lực giám sát theo dõi, kiểm soát chất lượng lưới điện, hỗ trợ công tác giám sát tổn thất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh điện năng. Từ khi lắp đặt thiết bị giám sát, các Công ty điện lực không còn phải đi đo đạc thực tế tại các trạm đã triển khai hệ thống. CPCEMEC dự kiến đề xuất EVNCPC trong năm 2018 tiếp tục triển khai hệ thống này tại 2 đến 3 trạm tại mỗi Điện lực để phục vụ công tác theo dõi tổn thất.
Hệ thống giám sát sự cố trên lưới điện trung thế đã được CPCEMEC phối hợp PC Khánh Hòa nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm từ năm 2015. Đến năm 2017, công trình “Nghiên cứu phát triển thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp” do CPCEMEC phối hợp với PC Khánh Hòa thực hiện đã đạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2017. Sau khi thống nhất với Ban Kỹ thuật - EVNCPC về thông số kỹ thuật của thiết bị cảnh báo sự cố để sản xuất lắp đặt thử nghiệm và được sự cho phép của EVNCPC, CPCEMEC dự kiến sẽ triển khai lắp đặt thử nghiệm 150 thiết bị SRFI ở PC Thừa Thiên Huế vào tháng 2/2018.
Hệ thống giám sát điều khiển từ xa các tủ tụ bù hạ thế là một sản phẩm đang được CPCEMEC ấp ủ, dự kiến sẽ phối hợp một Công ty Điện lực triển khai thử nghiệm thiết bị và hệ thống giám sát điều khiển vào tháng 3/2018, sau đó CPCEMEC sẽ liên hệ và phối hợp với một số Công ty Điện lực khác để triển khai thử nghiệm hệ thống trên diện rộng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm phục vụ sản xuất kinh doanh, trong năm 2017, CPCEMEC cũng đã tập trung nguồn lực hoàn thành sản xuất công tơ điện tử cùng các thiết bị điện tử khác theo kế hoạch được giao, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu của EVNCPC. Tính đến ngày 31/12/2017, CPCEMEC đã sản xuất, cung cấp 752.322 sản phẩm công tơ điện tử cùng các sản phẩm điện tử khác cho các đơn vị trực thuộc Tổng công ty và các khách hàng khác, đạt 120,56%  kế hoạch năm 2017, đạt 124,33% so với sản lượng thực hiện năm 2016. Lũy kế số lượng công tơ điện tử và các sản phẩm điện tử khác đã sản xuất và bàn giao đến khách hàng qua các năm tính đến ngày 31/12/2017 là 2.785.767 sản phẩm điện tử các loại.
Năm 2018, tập thể CPCEMEC xác định sẽ nỗ lực để các giải pháp công nghệ do CPCEMEC nghiên cứu, xây dựng và phát triển sẽ tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiện thực hóa lộ trình xây dựng lưới điện thông minh của EVNCPC.
Theo Trang thông tin điện tử Tổng công ty Điện lực miền Bắc
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận