Trang chủ >> Tin tức - Sự kiện

Cập nhật: Có bao nhiêu dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã được phát điện?

Cập nhật lúc : 15:45 | 04/06/2023


Tính đến cuối giờ chiều 2/6 đã có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW hoàn thành thủ tục công nhận ngày vận hành thương mại (COD), chính thức được phát điện thương mại lên lưới...
Vẫn còn 22 dự án năng lượng tái tạo chưa nộp hồ sơ đàm phán giá điệnBộ trưởng Bộ Công thương nói về giá điện tái tạo trước Quốc hộiCó 59/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ đàm phán giá điện
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 17h30 ngày 2/6 đã có 65/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3643,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
Trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công thương).
Hiện EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án .
Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Ảnh minh họa.
Cùng đó, 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Trước đó, tại phiên họp chiều 1/6 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ về phát triển năng lượng tái tạo và cơ chế xác định giá cho điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, điện gió, điện mặt trời phát triển khá nhanh ở nước ta trong thời gian gần đây, do cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước khá hấp dẫn.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện mặt trời, tuy nhiên, có một số nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, vì thế, muốn sử dụng hệ thống điện này phải đầu tư khá lớn cho truyền tải lưu trữ điện.
Mặt khác, để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện, phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo, phải có một nguồn điện nền ổn định, để bù đắp khi không có nắng, có gió. Ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí sinh khối, thủy điện cũng được xem là điện nền.
Bởi vậy, dù có đắt hơn, phát thải cacbon có nhiều hơn, trong ngắn hạn chúng ta chưa có nguồn, giải pháp khác thay thế, thì các nguồn điện truyền thống vẫn được duy trì để bảo đảm an toàn hệ thống điện.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, than, dầu khí là những nguyên liệu sơ cấp, được thị trường thế giới ấn định giá, những năm qua, do đứt gãy nguồn cung, giá cao dẫn đến giá điện cũng cao hơn nếu chưa tính đến phí truyền tải.
Điện mặt trời không tốn tiền mua, giá thành chỉ phụ thuộc vào giá cả công nghệ, thiết bị, tuy nhiên, công nghệ thế giới phát triển nhanh, nên giá thành công nghệ giảm đi hàng năm, làm giá thành điện năng, năng lượng tái tạo chưa tính giá truyền tải và lưu trữ điện giảm theo thời gian. Về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất nếu chưa tính chi phí truyền tải, lưu trữ điện.
Về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo, cơ sở pháp lý là căn cứ vào Luật Điện lực, Luật Giá và các nghị định của Chính phủ, Bộ Công thương đã xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của các nhà máy điện mặt trời, điện gió, so sánh với số liệu của cơ quan năng lượng quốc tế, thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế xã hội trong nước.
Theo Hậu Lộc - Báo Tuổi trẻ và Pháp luật
Ý kiến phản hồi
Gửi bình luận
Bình luận