[In trang]
Hội thảo tham vấn "Tình hình thực hiện và đề xuất nội dung sửa đổi Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả"
Thứ hai, 10/10/2022 - 09:20
Sáng ngày 7/10 tại Tp. HCM, Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Tình hình thực hiện và đề xuất nội dung sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 68/2011/QĐ-TTg”.
Sáng ngày 7/10 tại Tp. HCM, Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Tình hình thực hiện và đề xuất nội dung sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 68/2011/QĐ-TTg”.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hiệp - chủ tịch Hội KHCN SDNL.TK&HQ Việt Nam đã khái quát về tình hình sử dụng năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển, với GDP tăng trung bình 7,26%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 và 5,91% giai đoạn 2011 - 2015. Đi cùng với đó là nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 11% trong giai đoạn 2011-2015.
Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023”, ông Nguyễn Đình Hiệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đối mặt trước thực trạng thiếu nguồn năng lượng đang hiện hữu, ngay từ năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật SDNL.TK&HQ) - Luật số 50/2010/QH12 nhằm triển khai, đẩy mạnh các công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tới toàn thể người dân. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg) vào năm 2011.
Qua hơn mười năm thực hiện, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 68/2011/QĐ-TTg đã có tác động tích cực đến hoạt động tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng trên phạm vi cả nước. Nhưng trong quá trình thực thi, Luật cũng tồn tại một số vấn đề bất cập, gây ra những khó khăn, vướng mắc cho quá trình triển khai. 
Do đó, để phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình thực tế triển khai các Chương trình/Dự án tiết kiệm năng lượng hiện nay, cần phải tiến hành đề xuất bổ sung, sửa đổi nội dung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó, giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, giảm thiểu các hoạt động sử dụng lãng phí, nâng cao hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Cũng tại Hội thảo, Ông Mã Khai Hiền – Giám đốc Trung tâm nghiên  cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) cũng nêu thực tế việc triển khai Luật Sử dụng năng lượng và Tiết kiệm hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp, cũng như những khó khăn, rào cản mà các doanh nghiệp gặp phải
Theo ông Hiền “Khó khăn lớn nhất mà các doanh  nghiệp gặp phải là vấn đề tài chính. Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm đều có các hoạt động đầu tư để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhưng phần lớn đều từ vốn tự có. Do đó, trong tương lai cần có cơ chế đầu tư tài chính phù hợp để giúp các doanh nghiệp đầu tư cho máy móc, trang thiết bị, công nghệ có hiệu quả năng lượng cao nhằm giảm tiêu thị năng lượng cho hoạt động sản xuất
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng được nghe báo cáo của đại diện Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh về tình hình triển khai Luật Sử dụng năng lượng và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ và chế độ đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với với kế hoạch thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Các đại biểu tại Hội thảo tham gia lắng nghe, góp ý đề xuất bổ sung, sửa đổi nội dung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Sau khi lắng nghe những góp ý, đề xuất bổ sung, sửa đổi nội dung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các đại biểu đều tán thành với 9 đề xuất chính, như sau: 
Một là, tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động SDNL TK&HQ. theo hướng tăng cường trách nhiệm giám sát của của các cơ quan chủ quản trong giám sát các đơn vị cấp dưới để nâng cao tính tuân thủ của Luật.
Hai là, bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm toán năng lượng; nội dung, chương trình đào tạo, thẩm quyền cấp, công nhận, thu hồi, thời hạn của chứng chỉ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng.
Ba là, quy định chi tiết hơn về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải. 
Bốn là, xem xét điều chỉnh quy định mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành  lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng.
Năm là, bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay. 
Sáu là, bổ sung các quy định về pháp lý và pháp nhân cho hoạt động của mô hình ESCO phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam; quy định và hướng dẫn chi tiết các hoạt động chuyên môn đối với  mô hình ESCO như: thu xếp vốn đầu tư, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn, các loại hợp đồng ESCO, cơ chế giám sát của bên thứ ba,…
Bảy là, bổ sung, làm rõ các quy định về hỗ trợ thuế, hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Tám là, nghiên cứu, xây dựng Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy mọi nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước để hỗ trợ triển khai các hoạt động HQNL, thúc đẩy phát triển thị trường HQNL tại Việt Nam.
Chín là, cung cấp vốn và trợ giúp kỹ thuật thông qua Công ty dịch vụ tư vấn năng lượng (ESCO) cho các dự án tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng thông qua các hình thức đa dạng khác nhau bao gồm đầu tư mạo hiểm, vốn tự có, thuê tài sản, tín dụng carbon, quỹ bảo lãnh tín dụng và trợ giúp kỹ thuật, Bổ sung danh mục  các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng vào các dự án được cấp tín dụng xanh,…
Minh Khuê