[In trang]
NGUỒN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ LOẠI HÌNH NGUỒN ĐIỆN MẶT TRỜI THÍCH HỢP PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Thứ ba, 06/09/2022 - 11:28
Để góp phần giải quyết vấn đề thiếu điện trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch covid-19 trong khi đang gặp khó khăn về giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời lớn do hệ truyền tải điện chưa xây dựng kịp, và để góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về cắt giảm phát thải khí nhà kính tại COP26, thì việc tiếp tục phát triển loại hình điện mặt trời mái nhà, đặc biệt đối với khu vực Miền Bắc, là một giải pháp cần thiết và có tính khả thi cao.

Tóm tắt

Để góp phần giải quyết vấn đề thiếu điện trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch covid-19 trong khi đang gặp khó khăn về giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời lớn do hệ truyền tải điện chưa xây dựng kịp, và để góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về cắt giảm phát thải khí nhà kính tại COP26, thì việc tiếp tục phát triển loại hình điện mặt trời mái nhà, đặc biệt đối với khu vực Miền Bắc, là một giải pháp cần thiết và có tính khả thi cao.   

  1. Cần thiết tiếp tục phát triển điện mặt trời ở Việt Nam

Trong xu thế chung của các quốc gia trên thế giới sau những năm kinh tế suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển trở lại từ năm 2022. Theo dự báo, năm 2022 và các năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta sẽ khoảng trên 6,5%. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu điện sẽ tăng mạnh và do đó sẽ có nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt đối với khu vực miền Bắc.

Quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh (QHĐ7-ĐC) dự báo giai đoạn 2016-2030 nhu cầu điện sẽ phải tăng trung bình 8,7%/năm. Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội, công suất các nguồn điện truyền thống (nhiệt điện than, nhiệt điện khí và  thủy điện) trong nước đã tăng từ  47.000 MW vào năm 2018, lên 60.000 MW vào năm 2020 và sẽ phải tăng lên đến 130.000 MW vào năm 2030. Như vậy, trong khoảng thời gian 2018 - 2030, ngành điện phải xây dựng và đưa vào vận hành thêm khoảng  91.000 MW nguồn điện truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đầu tư xây dựng nguồn điện mới theo QHĐ7-ĐC có xu hướng chậm tiến độ đáng kể. Đến năm 2020, tổng công suất các nguồn điện truyền thống  chỉ đạt được 51.870 MW, tức là chỉ đạt 86% theo Quy hoạch. Tổng công suất nguồn điện truyền thống chậm tiến độ đến năm 2020 lên tới 7160 MW.

Điểm sáng trong giai đoạn này là sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT). Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện NLTT (chủ yếu là điện mặt trời (ĐMT) và điện gió) đã đạt đến 17.430 MW (1).  Đáng tiếc là, do sự phát triển không đồng bộ của  hệ thống truyền tải điện, nên chỉ mới giải tỏa được khoảng 60 - 70% tổng công suất nguồn NLTT đã lắp đặt. Ngoài ra, còn hàng trăm dự án lớn về ĐMT và điện gió hoàn thành sau mốc 31/12/2020 (đối với ĐMT) và 1/12/2021 (đối với điện gió) không được hưởng giá FIT theo các Quyết Định số 13/2020/QĐ-TTg và số 39/2018/QĐ-TTg,  đến nay phải “đắp chiếu” chờ cơ chế mới của Chính phủ. Theo EVN, có 62 dự án với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện và 5 dự án/phần dự án ĐMT với tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá điện. Ngoài ra, cũng có một số dự án khác đang triển khai dở dang (2). Đây là một lãng phí rất lớn tiền của của xã hội, trong khi các nguồn nhiệt điện khác đang thiếu hụt, giá cả ngày càng đắt đỏ.

Dễ dàng thấy rằng, sự thiếu hụt về cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội đã hiện hữu và ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt là đối với khu vực miền Bắc, do lượng công suất nguồn điện ở miền Bắc được bổ sung hàng năm không theo kịp với sự tăng trưởng về nhu cầu điện. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, phụ tải đỉnh trong giai đoạn 2022-2025 tăng trưởng trung bình với công suất 2.830 MW/năm, trong khi công suất nguồn điện mới được bổ sung dự kiến chỉ đạt trung bình 1.565 MW/năm. Do đó, tình hình vận hành hệ thống điện miền Bắc có xu hướng ngày càng căng thẳng trong các năm tới (3).

Một yếu tố quan trọng khác cần phải nhấn mạnh là Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế tại COP26 về cắt giảm phát thải ròng khí nhà kính đến mức bằng zê-rô vào năm 2050. Rõ ràng là, để thực hiện cam kết này, giải pháp khả thi duy nhất là giảm các nguồn điện than và tăng mạnh các nguồn NLTT, trong đó nguồn ĐMT cùng với nguồn điện gió là hai nguồn chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong các nguồn điện NLTT ở Việt Nam.

Tất cả những yếu tố nói trên cho thấy, trong giai đoạn tới, vẫn cần phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ nguồn ĐMT, trong đó có nguồn ĐMT mái nhà, để giải quyết các vấn đề thời sự  và quan trọng về an ninh năng lượng và thực hiện cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Theo dự thảo QHĐ VIII dự thảo, từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ không đầu tư xây dựng các nguồn ĐMT công suất lớn để tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống tải điện nhằm sử dụng hết các nguồn ĐMT đã lắp đặt. Chỉ từ năm 2031 trở đi đến năm 2045, sẽ phát triển tiếp thêm 80.175 MW, trong đó khu vực miền Bắc (gồm Bắc bộ và Bắc Trung bộ) là 34.025 MW, khu vực miền trung (Trung trung bộ, Nam Trung bộ) và Tây Nguyên là 7.722 MW và khu vực Nam Bộ là 38.428 MW.

  1. Cơ hội cho phát triển ĐMT mái nhà

Như đã thấy, để giảm bớt khó khăn về cung cấp điện, nhất là ở giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid19, để tiếp tục phát triển năng lượng sạch, trong khi tạm phải dừng các dự án ĐMT công suất lớn do chưa xây dựng kịp hệ truyền tải mới, thì một trong các giải pháp khả thi nhất là phát triển ĐMT mái nhà. Sở dĩ nói như vậy là vì:

  1. ĐMT mái nhà có công suất không lớn, chỉ trong giải từ vài kW đến vài MW, phân bố phân tán theo mái nhà, nên thường được nối với lưới điện hạ áp hiện có hoặc thậm chí nếu phải tăng công suất lưới này thì cũng không có gì quá khó khăn và tốn kém.
  2. Các nguồn ĐMT mái nhà có thể đáp ứng nhu cầu điện tại chỗ. Tuy công suất mỗi nguồn không lớn, nhưng nhiều nguồn “góp gió thành bão” nên cũng có thể đáp ứng được một lượng công suất và điện năng đáng kể, đặc biệt là ở các khu vực mà việc cung cấp điện còn khó khăn như ở Miền Bắc nước ta.
  3. Đầu tư cho các hệ nguồn ĐMT mái nhà không lớn, các hộ có mái nhà đều có thể tự thu xếp được. Nhờ đó, nhà nước có thể tập trung nguồn lực cho các công việc lớn hơn, ví dụ như xây dựng hệ thống truyền tải để giải tỏa công suất các dự án ĐMT lớn đang gặp khó khăn.
  4. Việc thiết kế, mua sắm thiết bị, vật tư, lắp đặt, vận hành và bảo trì, bảo dưỡng đơn giản nên các công ty, doanh nghiệp ĐMT nhỏ ở các địa phương có thể thực hiện tốt.
  5. Các hệ nguồn ĐMT mái nhà không cần diện tích đất để lắp đặt.

Từ đó có thể nói rằng, trong giai đoạn khó khăn về nguồn điện từ nay đến năm 2025 và đến năm 2030, việc phát triển nguồn ĐMT mái nhà là một trong các giải pháp phù hợp  và hiệu quả nhất để góp phần khắc phụ tình trạng thiếu điện và thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính như Chính phủ đã cam kết tại COP26.

Tuy nhiên, để phát triển loại hình ĐMT mái nhà có hiệu quả tốt và bền vững, cần thiết phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Trong khi đó, như đã biết, từ năm 2021 đến nay chúng ta vẫn chưa có cơ chế, chính sách mới hỗ trợ phát triển loại nguồn ĐMT này.

Dưới đây, xin đề xuất và kiến nghị một số nội dung liên quan đến vấn đề nói trên.

  1. Kiến nghị giải pháp phát triển tiếp tục nguồn ĐMT mái nhà
  1. Nối lưới

Cần cho phép các nguồn ĐMT mái nhà được nối lưới điện địa hạ áp địa phương để các hộ có thể “gửi” điện năng thừa và “rút ra” để sử dụng vào các thời gian khoảng có nắng. Ngoài ra, việc nối lưới còn giúp đảm bảo chất lượng điện và khi cần, hộ sử dụng nguồn ĐMT mái nhà có thể mua thêm điện từ lưới. Nếu không được nối lưới, các nguồn ĐMT  phải sử dụng Bộ ắc qui tích trữ điện, vừa rất tốn kém, hiệu quả kinh tế-kỹ thuật không cao, vừa phải chăm sóc bảo trì phức tạp, nên rất khó khăn. 

  1. Chất lượng thiết bị và kỹ thuật lắp đặt

Do quy mô công suất nhỏ nên việc thiết kế, mua sắm thiết bị vật tư, lắp đặt, vận hành nguồn ĐMT mái nhà khá đơn giản, các công ty năng lượng địa phương, thậm chí chính hộ đầu tư, có thể dễ dàng thực hiện được. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến hệ lụy về các sai sót, bất cập về kỹ thuật. Thực tế cho thấy, các lỗi phổ biến thường là chất lượng thiết bị không đảm bảo và lắp đặt không đúng kỹ thuật. Cụ thể là: (i) Chất lượng các Bộ biến đổi điện (Inverter) không đảm bảo, hiệu suất chuyển đổi năng lượng thấp, và đặc biệt là sóng hài cao, nên có thể gây ra các nhiễu loạn cho lưới điện; (ii) Chất lượng tấm pin mặt trời thấp (không rõ nguồn gốc và giá rẻ) nên hiệu quả đầu tư thấp; (iii) Khung dàn, dây nối không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nên có thể gây ra chập cháy, gãy đổ khi có gió bão lớn, …; (iv) Lắp đặt dàn pin mặt trời ở các vị trí không đủ nắng hoặc bị bóng râm che từng phần; (v) Công tác nghiệm thu, kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật trước lúc nối lưới ở nhiều nơi còn quá dễ dàng, không tiến hành theo qui trình, qui định, dẫn đến tình trạng có nhiều nguồn ĐMT mái nhà lắp đặt không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn được nối lưới. 

Để khắc phục các tình trạng này, các hộ lắp đặt nguồn ĐMT mái nhà cần phải đăng ký và xin phép cơ quan quản lý điện địa phương. Về phía cơ quan quản lý điện địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý của mình. Đặc biệt, các nhân viên trong các cơ quan này cần được tập huấn, đào tạo, để nắm vững về quy trình nghiệm thu, đánh giá chất lượng nguồn ĐMT. Chỉ các nguồn ĐMT mái nhà đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về thiết bị, về lắp đặt, … mới được nối lưới.

  1. Nên ưu tiên phát triển ĐMT mái nhà ở khu vực Miền Bắc

Như đã thấy, cho đến nay, nguồn ĐMT nói chung và ĐMT mái nhà nói riêng, chỉ phát triển mạnh ở khu vực Miền Nam, khu vực có bức xạ mặt trời cao. Trong lúc đó, như đã nhấn mạnh ở trên, khu vực Miền Bắc là nơi thiếu điện trầm trọng hơn. Việc điều chuyển điện từ Miền Nam ra rất tốn kém do tổn hao và do công tác điều độ. Vậy nên, theo chúng tôi, trong giai đoạn hiện nay nên ưu tiên đẩy mạnh phát triển nguồn ĐMT mái nhà ở khu vực Miền Bắc. Tuy nhiên, do bức xạ mặt trời ở Miền Bắc kém hơn, nên để phát triển loại hình ĐMT này, cần ban hành các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, ví dụ như:

  1. Tiếp tục sử dụng cơ chế giá điện hỗ trợ (FITs) thích hợp để hấp dẫn các hộ đầu tư. Nói chung, giá FIT đối với khu vực Miền Bắc cần phải cao hơn so với khu vực Miền Nam.
  2. Tạo nguồn vốn và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án ĐMT mái nhà. Quy trình vay và cho vay thông thoáng, đơn giản, hiệu quả.
  3. Tổ chức các lớp tập huấn về yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị, vật tư ĐMT; quy trình và kỹ thuật lắp đặt, vận hành, bảo trì và bảo dưỡng nguồn ĐMT đối với các công ty/doanh nghiệp làm dịch vụ trong lĩnh vực này và cả các hộ đầu tư nguồn ĐMT mái nhà.
  4. Và các cơ chế khác.  

    Đặng Đình Thống,

    Hội KH&CN Sử dụng năng lượng TK&HQ Việt Nam

Tài liệu tham khảo

  1. https://haiquanonline.com.vn/san-xuat-va-nhap-khau-hon-247-ty-kwh-dien-nam-2020-139964.html.
  2. https://baodautu.vn/dien-gio-mat-troi-do-dang-hay-moi-deu-phai-dam-phan-voi-evn-de-ban-dien-d172159.html.
  3. https://www.vietnamplus.vn/nhieu-giai-phap-dam-bao-cung-ung-dien-cho-phuc-hoi-kinh-te/794633.vnp.