[In trang]
Nan giải tìm phương án xử lý "rác thải" pin mặt trời
Thứ năm, 09/04/2020 - 09:39
Mặc dù là nguồn năng lượng sạch nhưng điện mặt trời lại đặt ra một vấn đề nan giải là tấm pin mặt trời sẽ được xử lý như thế nào sau khi hết hạn sử dụng? Bởi khi không còn hạn sử dụng, những tấm pin lại khác hẳn với ý nghĩa “xanh” ban đầu không gây tác động đến môi trường.

Mặc dù là nguồn năng lượng sạch nhưng điện mặt trời lại đặt ra một vấn đề nan giải là tấm pin mặt trời sẽ được xử lý như thế nào sau khi hết hạn sử dụng? Bởi khi không còn hạn sử dụng, những tấm pin lại khác hẳn với ý nghĩa “xanh” ban đầu không gây tác động đến môi trường.     
Độc hại rác thải pin mặt trời
Nhiều dự án điện mặt trời trước khi đi vào hoạt động đã nhìn ra “vấn đề” của những tấm pin mặt trời, sẽ mang lạ tác hại vô cùng lớn đối với môi trường nếu không được xử lý ngay khi kết thúc tuổi thọ.  
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, sự ô nhiễm từ tấm pin mặt trời hết tuổi thọ là rất lớn, hơn cả nilon, dù trong quá trình lắp đặt, sử dụng không gây ra hệ lụy nào.

Nan giải tìm phương án xử lý rác thải pin mặt trời
Chưa kể, không phải nhà sản xuất nào cũng cung ứng tấm pin chất lượng cao, kết hợp với khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam dẫn đến tuổi thọ thực sự của tấm pin thường ngắn hơn cam kết. “Thông thường, tấm pin có thể sử dụng từ 20-30 năm nhưng có những trường hợp chỉ một vài năm là phải loại bỏ. Việc đưa lượng lớn tấm pin ra môi trường sẽ diễn ra trong tương lai gần, nếu không tính nhanh phương án ứng phó thì trở tay không kịp”, ông Ngãi cảnh báo.
Để sản xuất ra tấm năng lượng mặt trời cần phải sử dụng đến kim loại nặng như chì, crom (Chromium) và cadimi (Cadmium) là những thứ theo các chuyên gia có thể gây hại tới môi trường sau khi hết hạn sử dụng. Và điều đáng nói đến nay vẫn chưa có giải pháp nào xử lý pin mặt trời thải loại thực sự hiệu quả.
Mới đây, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) ước tính số lượng tấm pin năng lượng mặt trời thải loại trên toàn cầu có thể tăng lên mức 78 triệu tấn vào năm 2050, từ mức vào khoảng 250.000 tấn cuối năm 2016.
Hiện Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về số pin thải loại bởi đây là quốc gia có  nhiều nhà máy điện mặt trời nhất thế giới. Ước tính đến năm 2050, số tấm pin năng lượng mặt trời thải loại tại Trung Quốc vào khoảng 20 triệu tấn, tương đương gấp 2.000 lần trọng lượng của tháp Eiffel ở Pháp. Ở Việt Nam hiện chưa ước tính được con số này cụ thể.
Để giải quyết vấn đề pin mặt trời hết hạn sử dụng, không ít dự án đã tìm phương án phù hợp nhưng cũng chỉ là “tình huống”, không bảo đảm được tính bền lâu trong bảo vệ môi trường.
Như các dự án năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3 của Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh với tổng công suất thiết kế 500 MW, sau khi đau đầu tìm kiếm giải pháp thì cuối cùng cũng đành đưa ra đáp án khả thi nhất là cho “quay đầu” các tấm pin mặt trời về nơi sản xuất là Trung Quốc sau khi hết hạn. Và điều này được các dự án ký kết thành một điều khoản trong hợp đồng cung cấp với nhà thầu Trung Quốc.
Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh cho rằng, “Lắp tấm pin rất dễ về mặt kỹ thuật, dự án lớn cũng chỉ cần khoảng 6 tháng là có thể hoàn thành. Song cái khó nằm ở khâu xử lý tấm pin sau khi hết giá trị sử dụng. Do không thể tự xử lý được nên trong hợp đồng cung ứng pin, Công ty đã thiết kế điều khoản yêu cầu nhà cung cấp Trung Quốc quay lại thu hồi và xử lý sau khi tấm pin hết hạn, trong đó có ràng buộc về mặt tài chính bằng cách giữ lại một khoản chi phí”.
Tương tự, Nhà máy Điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 (tỉnh Long An) của Tập đoàn Thành Thành Công cũng lựa chọn phương án buộc nhà cung cấp ở Nhật Bản thu hồi lại tấm pin sau khi dự án thải hồi.
Chuyên nghiệp hơn thì có dự án lựa chọn cách nghiền nát những tấm pin mặt trời rồi chôn vùi dưới lòng đất. Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, một trong những doanh nghiệp có nhiều dự án điện mặt trời nhất hiện nay thì nói: “Hiện nay tấm pin này được làm bằng Silic chất liệu tương tự các tấm kính. Cách xử lý là nghiền ra và chôn. Tuổi thọ pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam chưa được kiểm nghiệm nên tác hại đến cỡ nào doanh nghiệp còn chưa nắm kỹ”.
Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (EVN) cũng đồng quan điểm khi cho hay chỉ có cách chôn xuống đất pin mặt trời nếu không sử dụng nữa. Tuy nhiên, Công ty này cũng đặt ra môt khó khăn khác đối với các khu vực chôn lấp pin mặt trời là ở đây không thể trồng trọt được cây trái. Cho nên phải có thêm đất cho việc xử lý pin này”.
Phương án nào bảo đảm xanh sạch?
Dù là cách nào thì cả hai phương án trên đây đều được các chuyên gia nhận định để phát triển bền vững, lâu dài không bảo đảm. Bởi chất thải năng lượng mặt trời sẽ còn tồn đọng trong môi trường trong khoảng thời gian rất dài, dài hơn cả so với các chất hạt nhân. Việc trữ các tấm pin này tại các bãi phân loại rác sẽ gây ô nhiễm toàn bộ khu vực.

Dự báo đến năm 2050 rác thải pin mặt trời lên đến  78 triệu tấn
Chỉ còn cách tái sử dụng tấm năng lượng nhưng tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, việc này cũng cực kỳ khó khăn. Hiện nay, các nước phát triển điện mặt trời như Mỹ, Nhật Bản cũng đang đau đầu trong việc tìm cách tái sử dụng kho chất thải năng lượng mặt trời đang ngày một dày lên.
Còn tại Việt Nam, theo ông Ngãi, hiện công nghệ tái chế pin mặt trời của Việt Nam chưa đạt hiệu quả nên chỉ có một phương án là chôn lấp, đòi hỏi rất nhiều đất và ảnh hưởng đến nguồn nước. “Theo tính toán, với 100 MW điện mặt trời thì cần 100 ha đất để chôn lấp, trong khi đó, tài nguyên đất đai ngày càng hạn hẹp” ông nói thêm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh u ám đối với việc xử lý pin mặt trời hết hạn, Cơ quan Năng lượng quốc tế cũng tìm thấy tia hy vọng khi khẳng định việc tái chế tấm pin được nghiên cứu sớm và sẽ sớm thực hiện thành công ở một số quốc gia. Bởi vật liệu sử dụng để sản xuất tấm pin quang điện là kim loại quý hiếm. Nếu không tái chế để thu hồi sẽ rất lãng phí, dẫn đến khan hiếm trong tương lai. Mặt khác, khi lượng tấm pin thải ra đủ lớn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hào hứng hơn với việc tái chế pin.
Theo: Nguyễn Anh - Petro - Times