[In trang]
Tín hiệu vui cho phát triển điện mặt trời ở Việt Nam
Thứ hai, 11/03/2019 - 09:47
Sửa đổi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, Dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2017/TT-BCT và đề xuất một số chính sách mới hỗ trợ điện mặt trời (PV) sau tháng 6/2019 là các thông tin rất thời sự về cơ hội đẩy mạnh phát triển nguồn điện sạch này trong thời gian sắp tới.
Mới đây, ngày 27 tháng 2 năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) và Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc Hội thảo lớn trong thời gian một ngày tại Tòa nhà EVN với chủ đề “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt nam”. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, trực tiếp chủ trì Hội thảo. Khách mời tham dự Hội thảo, ngoài các đại biểu từ EVN và Bộ Công thương, còn có các Tổ chức  quốc tế lớn như Ngân Hàng thế giới (WB), Ngân hàng nhà nước Đức KfW (Kreditanstalt fuer Wiederaufbau), Cơ quan phát triển quốc tế Pháp AFD; các công ty năng lượng hàng đầu như KEPCO (Công ty Hàn quốc), Amplus Solar, …. Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham gia của các công ty doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng tái tạo trong nước như SolarBK; các chuyên gia về năng lượng và năng lượng tái tạo trong và ngoài nước; v.v…  Đã có 14 báo cáo của các đại biểu trong nước và quốc tế được trình bày tại Hội thảo và có hai phiên thảo luận sôi nổi trong các buổi sáng và buổi chiều. Có thể nói rằng, đây là một Hội thảo rất thành công.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
1. Vai trò của điện mặt trời trong cung cấp điện ở Việt Nam  
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN đã nhấn mạnh về nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội ở Việt nam đang rất cao, trên 10%/năm, trong khi đó hệ thống nguồn cung cấp và hệ thống truyền tải phát triển không kịp. Thậm chí nguy cơ thiếu hụt nguồn cấp là hiện hữu. Nói riêng, hiện nay và trong vài năm tới có thể xẩy ra tình trạng thiếu điện. Trước tình hình căng thẳng đó, Bộ Công thương và EVN đã tìm nhiều giải pháp để khắc phục, mà trong đó theo Tổng Giám đóc EVN nhấn mạnh, là thúc đẩy phát triến điện mặt trời (ĐMT) nói chung và ĐMT áp mái nói riêng. Theo quan điểm của EVN, việc phát triển ĐMT áp mái có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay vì các lý do sau đây: 
(1) Là các hệ nguồn điện phân tán và chủ yếu được nối lưới phân phối hạ áp nên giải quyết được vấn đề truyền tải và tắc nghẽn lưới truyền tải trong các thời gian cao điểm bức xạ mặt trời cao; 
(2) Tận dụng các diện tích mái nhà nên giảm được chi phí và đặc biệt là các diện tích mặt bằng lắp đặt (trung bình cần 1,2 héc ta để lắp đặt 1 MW pin mặt trời); 
(3) Xã hội hóa thuận lợi để phát triển hệ thống nguồn điện thông qua các hệ ĐMT áp mái do phần lớn các hộ gia đình và cơ quan, doanh nghiệp đều có khả năng tự đầu tư nguồn ĐMT áp mái vì hiện nay suất đầu tư các hệ nguồn ĐMT áp mái đã khá thấp (trung bình khoảng 20 triệu đồng/kWp); 
(4) Việc xây dựng các hệ nguồn ĐMT rất nhanh chóng và tiện lợi, chỉ cần vài tuần hay vài tháng là có thể sản xuất điện;  
(5) Và một lợi ích khác là các dàn pin mặt trời lắp trên các mái nhà, thu năng lượng mặt trời, nên làm cho không gian nhà phía dưới sẽ mát hơn do đó giảm được điện năng và chi phí làm mát. 
Vì vậy, theo EVN và Bộ Công thương, thì việc thúc đẩy phát triển ĐMT nói chung và ĐMT áp mái nói riêng là một trong các giải pháp có tính “cứu cánh” để giải quyết vấn đề thiếu điện hiện nay và trong vài năm tới. 
Để thúc đẩy phát triển ĐMT áp mái, Bộ Công thương và EVN cùng với các Bộ, Ngành khác liên qua đã dự thảo các sửa đổi quan trọng trong một số các Văn bản pháp luật hiện hành liên quan cũng như xây dựng các chính sách mới phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển nhanh chóng ĐMT áp mái trong thời gian tới, như được tóm tắt dưới đây.  
2. Các dự thảo sửa đổi các Văn bản pháp luật liên quan đến ĐMT
a/  Sửa đổi Quyết định số 11/2017
Như đã biết, để khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 nhằm sửa đổi một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, trong đó, quan trọng nhất là sửa đổi khoản 2, điều 12 như sau với nội dung chính như sau: 
“Dự án ĐMT áp mái thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao (chiều bán) và chiều nhận (chiều mua) riêng biệt của Công tơ đo đếm điện hai chiều. Chủ hộ đầu tư hệ ĐMT áp mái được bán tất cả lượng điện từ nguồn ĐMT áp mái  phát lên lưới với giá ưu đãi 9,35 UScents/kWh (hay trên 2.100 đồng/kWh) và chỉ phải trả tất cả lượng điện năng lấy/mua từ lưới điện của EVN theo giá điện thị trường hiện hành”. 
Điều này rất có lợi cho nhà đầu tư ĐMT áp mái so với QĐ số 11/2017, trong đó qui định rằng chủ sở hữu nguồn ĐMT áp mái chỉ được thanh toán tiền điện với giá 9,35 UScents/kWh sau khi đã lấy số điện năng phát lên lưới trừ đi số điện năng tiêu thụ lấy từ lưới. 
b/  Dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2017
Để triển khai thực hiện Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã ban hành Thông Tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 qui định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT. Tuy nhiên, mới đây để khuyến khích và thúc đẩy phát triển ĐMT áp mái, Bộ Công Thương đã có dự thảo sửa đổi một số qui định trong Thông tư số 16/2017 như sau:
- Chỉ các dự án có công suất trên 1 MW mới cần làm thủ tục bổ sung qui hoạch. Điều này có nghĩa là gần như 100% các dự án ĐMT áp mái không cần phải làm thủ tục bổ sung qui hoạch điện.
- Điểm đấu nối có thể tự thỏa thuận với EVN; Thủ tục đăng ký đấu nối được đơn giản hóa.
- Miễn giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án công suất dưới ≤ 1 MW.
- Ký kết Hợp đồng mua bán điện riêng (không phải là phụ lục của Hợp đồng sử dụng điện).
Những sửa đổi này, nếu được phê duyệt, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư nguồn ĐMT áp mái.
c/  Dự thảo chính sách ĐMT sau tháng 6/2019
Như đã biết, QĐ 11/2017 về hỗ trợ phát triển ĐMT chỉ có hiệu lực đến tháng 6/2019. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển ĐMT sau tháng 6/2019, hiện nay chính phủ đang khẩn trương chuẩn bị ban hành các chính sách mới thay thế QĐ số 11/2017. Một số trong các dự thảo chính sách mới rất quan trọng về ĐMT nói chung và ĐMT áp mái nói riêng, có các chính sách được kiến nghị như sau:
- Định nghĩa lại nguồn ĐMT áp áp là các nguồn điện áp mái, công suất ≤ 1 MWp.
- Giá mua điện hỗ trợ khác nhau và chia thành 4 vùng tùy theo tiềm năng năng lượng mặt trời (NLMT). Cụ thể là: (i) Đối với vùng NLMT thấp (như khu vực miền Bắc), giá mua điện là 10,87 UScents/kWh (hay tương đương 2.486 đồng/kWh); (ii) Vùng 2, NLMT trung bình thấp, giá mua là 9,36 USCents/kWh (2.139 đồng/kWh); (iii) Vùng 3, NLMT trung bình cao, giá mua là 8,38 USCents/kWh (1.916 đồng/kWh) và (iv) Vùng 4,  NLMT cao, giá mua là 7,89 USCents/kWh (1.803 đồng/kWh). 
Có thể thất rằng, việc qui định giá hỗ trợ ĐMT áp mái theo nhiều vùng NLMT là hợp lý và tiến bộ. Về mặt tổng thể, nếu lấy trung bình giá các khu vực NLMT cao và thấp sẽ vào khoảng như giá đã qui định trong QĐ 11/2017 (9,35 UScents/kWh), tức là phần kinh phí chênh lệch mà nhà nước phải bù trả cho ĐMT không thay đổi. Tuy nhiên, với qui định mới này thì ĐMT có điều kiện phát triển ở đều khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, … những nơi mà cần được quan tâm cung cấp năng lượng để tạo cơ sở để phát triển kinh tế xã hội nhiều hơn. Phát triển ĐMT ở mọi địa phương cũng có nghĩa là tạo ra điều kiện để phát triển bao trùm, mọi cộng đồng dân cư đều được hưởng các thành quả của công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước, một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Chính phủ ta. 
- Mở rộng đối tượng bên mua, bên bán. Bên mua không chỉ là EVN như qui định trước đây mà còn có thể các tổ chức, doanh nghiệp không phải là EVN. Hơn nữa, nếu bên mua và bên bán không sử dụng lưới điện của EVN thì được thỏa thuận mua bán điện trực tiếp. Các qui định này tạo điều kiện thuận lợi để thị trường điện phát triển thuận lợi và lành mạnh.
3. Kết luận
Với tiềm năng NLMT khá cao, với suất đầu tư ĐMT đã giảm thấp và do đó giá ĐMT đã có thể cạnh tranh với giá điện từ các nguồn khác, kể cả từ nguồn hóa thạch, ĐMT đã được nhìn nhận như một nguồn điện rất quan trọng và cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ở Việt nam trong giai đoạn tới để góp phần giải quyết vấn đề thiếu điện đang hiện hữu trong thời gian tới. Để thúc đẩy phát triển ĐMT, Bộ Công thương, EVN và các Bộ, Ngành liên qua nhận thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các Quyết Định, Thông tư hiện hành liên quan và xây dựng, ban hành các chính sách mới phù hợp về ĐMT, nhằm nhanh chóng tăng tỷ lệ ĐMT trong cơ cấu nguồn điện ở Việt Nam.    
Đặng Đình Thống 
Hiệp Hội Năng lượng sạch Việt nam (VCEA)