[In trang]
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo không để tình trạng thiếu điện xảy ra
Thứ tư, 24/10/2018 - 09:01
Mặc dù từ năm 2019 - 2020 trở đi, việc cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khănnhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tập trung khắc phục để tình trạng thiếu điện không xảy ra.
Năm 2018 với các dự án nguồn và lưới điện hiện có, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo đảm cung ứng điện ổn định cho sản xuất và tiêu dùng. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 9/2018 đạt 18,4 tỷ kWh (trung bình 614,8 triệu kWh/ngày); lũy kế 9 tháng của năm đạt 163,5 tỷ kWh, tăng 10,54% so với cùng kỳ năm 2017.
Về đầu tư xây dựng, EVN và các đơn vị đã đóng điện 4 công trình 500kV, 20 công trình 220kV, 97 công trình 110kV; đã khởi công xây dựng 5 công trình 500kV, 11 công trình 220kV, 86 công trình 110kV. Ngành điện cũng đã hoàn thành và đưa vào phát điện Thủy điện Sông Bung 2 với tổng công suất 100MW; hoàn thành công tác thử nghiệm, chạy tin cậy và phát điện thương mại các dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4, qua đó đóng góp vào tăng trưởng của ngành điện.
Ảnh minh họa
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với phương án phụ tải cơ sở, tần suất nước về các hồ thủy điện ở mức trung bình qua nhiều năm, đến năm 2019-2020, nhìn chung cung ứng điện có thể được đảm bảo. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2023, hệ thống điện không đủ đáp ứng nhu cầu và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 trong các trường hợp: Phụ tải tăng trưởng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay. Như vậy, việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc trong thời gian tới sẽ có nhiều rủi ro.
Theo tính toán của EVN, trong giai đoạn 2019 - 2020 nhu cầu điện dầu 3 - 4 tỷ kWh/năm. Khả năng bảo đảm tài chính để thay thế các nguồn điện chạy dầu của tập đoàn là khó khăn. Hiện tập đoàn đang tập trung đàm phán, mua điện từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Lào, thu xếp các chủ đầu tư tham gia vào điện mặt trời.
Để bảo đảm nguồn cung ứng điện những năm tới, đại diện EVN kiến nghị Bộ Công Thương giúp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đàm phán mua, bán điện với các nhà đầu tư của Lào. Cụ thể, sớm có khung giá để tạo cơ sở cho EVN đàm phán với các chủ đầu tư phía Lào. Đối với việc mua điện của Trung Quốc, EVN cho rằng, cần tăng mức mua lên 3 - 4 tỷ kWh, thay vì ở mức 1,2 - 1,5 tỷ kWh như hiện nay, với giải pháp lắp đặt thiết bị truyền tải, xoay chiều, liên kết lưới điện ổn định hơn.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán và các dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối. Đặc biệt, hỗ trợ và khuyến khích khách hàng sử dụng điện (sinh hoạt, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, đặc biệt ở khu vực miền Nam.
Hà Nguyễn