[In trang]
Đảm bảo điện cho Khu Công nghệ cao TPHCM: Không gián đoạn dù chỉ một giây
Thứ năm, 20/09/2018 - 10:06
Không chỉ đòi hỏi điện năng ổn định, mà nhiều doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh còn có yêu cầu về chất lượng điện cao hơn hẳn so với quy định của Việt Nam… EVNHCMC đã và đang phải làm gì?
Không chỉ đòi hỏi điện năng ổn định, mà nhiều doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh còn có yêu cầu về chất lượng điện cao hơn hẳn so với quy định của Việt Nam… EVNHCMC đã và đang phải làm gì?
Chủ động cung ứng điện
Được thành lập vào tháng 10/2002, đến nay, Khu Công nghệ cao TP.HCM (Quận 9) đã thu hút được nhiều tập đoàn, công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Microsoft, Samsung, Nidec, Jabil, Nipro, Datalogic,... đầu tư vào Việt Nam. Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, các doanh nghiệp này đều có yêu cầu rất cao về chất lượng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; trong đó, độ tin cậy cung cấp điện là  tiêu chí được đặt lên hàng đầu. 
Bà Hồ Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Intel tại Việt Nam và Malaysia cho biết: “Khi lựa chọn đầu tư vào Việt Nam, yếu tố cung cấp điện đầy đủ với chất lượng điện năng tốt là một trong những cam kết mà Chính phủ Việt Nam dành cho Intel. Sản phẩm của chúng tôi là những vi xử lý đòi hỏi độ chính xác cao nên yêu cầu chất lượng điện năng, độ ổn định của nguồn điện đặc biệt rất quan trọng”. 
TBA 110 kV cấp điện riêng cho Intel tại Khu Công nghệ cao TP. HCM
Cũng theo bà Uyên, Intel luôn đánh giá rất cao sự hợp tác công - tư giữa Chính phủ Việt Nam, ngành Điện Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, mối quan hệ giữa Intel và EVNHCMC, không đơn thuần là bên bán - bên mua mà vừa là đối tác, vừa là cộng sự, đồng hành tin tưởng.
Theo ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, là khu vực đóng góp tỉ trọng xuất khẩu cao nhất của TP.HCM, đặc biệt là những sản phẩm công nghệ cao như vi mạch của Intel, thiết bị điện tử của Samsung,... công tác đảm bảo điện luôn được Tổng công ty đặc biệt chú trọng. Hiện nay, Khu Công nghệ cao TPHCM đã được đảm bảo điện bằng 3 nguồn, từ 3 trạm 220 kV khác nhau. 
Với những doanh nghiệp yêu cầu chất lượng điện năng cao hơn so với các quy định của Việt Nam, EVNHCMC cũng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các phương án cấp điện bằng đường dây riêng; đồng thời phối hợp với khách hàng lắp đặt các thiết bị giám sát, đảm bảo được các tiêu chuẩn về điện áp, tần số,... giúp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được ổn định. Điển hình, với Công ty TNHH Products Intel, EVNHCMC đã chủ động đầu tư xây dựng thêm nguồn 110 kV cung cấp riêng cho Trạm 110 kV Intel; lắp đặt bổ sung các thiết bị chống sét tại các tuyến đường dây cấp nguồn cho trạm 110 kV Intel... 
Không chỉ có vậy, tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, Tổng công ty cũng đã triển khai thí điểm lưới điện thông minh, mang lại những lợi ích tối đa nhất cho khách hàng. Theo đó, lưới điện đều được trang bị các thiết bị hiện đại, tiên tiến, vận hành hoàn toàn  tự động. Khi có bất kì sự cố nào, lưới điện sẽ tự động xử lý, tái lập, cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất. Tại đây, EVNHCMC cũng triển khai 100% công tơ điện tử có chức năng đo xa, giúp cho khách hàng nắm bắt, cập nhật kịp thời tình hình tiêu thụ điện, từ đó, có sự điều chỉnh sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất. 
Sâu sát khách hàng
Không chỉ đảm bảo về nguồn cung cấp ổn định, có dự phòng, EVNHCMC còn thành lập một tổ công tác đặc biệt, định kỳ hàng tháng họp giao ban với Ban quản lý Khu Công nghệ cao và khách hàng, nhằm đánh giá về nguồn điện, chất lượng điện; đồng thời tìm ra phải pháp tốt nhất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nếu có. Song song với Tổ công tác, EVNHCMC cũng thành lập một tổ vận hành thường trực tại Khu Công nghệ cao, để thường xuyên phối hợp, sâu sát với bộ phận kỹ thuật của Khu Công nghệ cao cũng như các nhà máy đòi hỏi chất lượng điện năng khắt khe, nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất trong quá trình cung cấp điện.
Ngoài ra, EVNHCMC cũng duy trì kiểm tra định kỳ lưới điện, thường xuyên phối hợp kiểm tra lưới điện phần tài sản của khách hàng. Với những khách hàng chưa thực hiện tốt việc bảo trì, bảo dưỡng và chưa thực hiện các khuyến cáo, đề xuất từ phía Điện lực, CBCNV ngành Điện sẽ phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao vận động, thuyết phục khách hàng bố trí thời gian cắt điện, để Điện lực thực hiện bảo trì và xử lý các tồn tại trên lưới cho khách hàng đến hệ thống đo đếm ranh giới. 
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Bảo, hiện nay khó khăn lớn nhất trong việc đảm bảo điện cho Khu Công nghệ cao là các tác động từ bên ngoài. Sự cố khách quan, bất khả kháng từ cấp điện áp cao hơn như 500 kV và 220 kV ở ngoài khu vực, cũng sẽ tác động nhất định đến lưới điện Khu Công nghệ cao. Để giải quyết vấn đề này, Tổng công ty đã đề nghị Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam thông báo định kỳ cho EVNHCMC về công tác trên lưới. Trên cơ sở đó, Tổng công ty phối hợp với các bộ phận kỹ thuật ở Khu Công nghệ cao có những giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tối đa các tác động từ bên ngoài. Đặc biệt, Tổng công ty cũng đã kiến nghị, đề xuất các doanh nghiệp đầu tư những thiết bị bảo vệ riêng cho những phân xưởng có yêu cầu khắt khe về chất lượng điện, tần số, điện áp...
Cùng với nỗ lực của ngành Điện, EVNHCMC mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra, giám sát tình hình vận hành lưới điện, để đảm bảo cung ứng điện cho Khu Công nghệ cao TP. HCM không gián đoạn dù chỉ một giây. 
Hoạt động của Khu Công nghệ cao TP.HCM tính đến cuối năm 2017:
- Có 134 dự án/doanh nghiệp đang hoạt động;
- Đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 568 triệu USD; trong đó, riêng năm 2017, đóng góp hơn 154,8 triệu USD.

Theo Trang thông tin điện tử Tập đoàn Điện lực Việt Nam