[In trang]
Thực trạng quản lý năng lượng trong doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam
Thứ năm, 03/05/2018 - 09:51
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giúp giảm phát thải, tiết kiệm nguồn năng lượng hoá thạch luôn là mục tiêu hàng đầu tại mỗi Quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, ngày 01/01/2011 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính thức có hiệu lực, tạo ra một hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng tại các đơn vị sử dụng năng lượng.
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giúp giảm phát thải, tiết kiệm nguồn năng lượng hoá thạch luôn là mục tiêu hàng đầu tại mỗi Quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, ngày 01/01/2011 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính thức có hiệu lực, tạo ra một hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng tại các đơn vị sử dụng năng lượng. Sau hơn 5 năm Luật có hiệu lực để đánh giá mức độ thực hiện triển khai chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, nghiên cứu này sẽ tiến hành khảo sát và phân tích thực trạng triển khai hệ thống quản lý năng lượng tại một số doanh nghiệp trọng điểm về sử dụng năng lượng. 
Phương pháp phân tích được tiến hành trên cơ sở sử dụng công cụ Ma trận quản lý năng lượng - EMM (Energy Management Matrix), đây là công cụ phân tích hiện đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Việc phân tích và đánh giá tiến hành theo 6 nội dung cơ bản:
1. Chính sách năng lượng: Đánh giá mức độ quan tâm và cách thức xây dựng mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong hoạt động tại doanh nghiệp;
2. Công tác tổ chức: Giúp xác định vai trò và vị trí của bộ phận quản lý năng lượng trong doanh nghiệp. Nội dung này cho thấy mức độ hoàn thiện trong công tác quản lý của doanh nghiệp về sử dụng năng lượng;
3. Mục đích - động cơ: Thể hiện các kênh thông tin được sử dụng để thông báo với cán bộ - nhân viên của toàn doanh nghiệp về vấn đề năng lượng;
4. Hệ thống thông tin: Đánh giá mức độ hoàn thiện trong hệ thông đo đếm, giám sát và lưu trữ các báo cáo về hoạt động sử dụng năng lượng. 
5. Marketing: Được thể hiện thông qua việc quảng bá, nhân rộng ý thức về quản lý năng lượng và các bài học thành công về quản lý năng lượng hiệu quả trong nội bộ doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với bên ngoài;
6. Đầu tư: Được đánh giá thông qua mức độ đầu tư và khả năng huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án tiết kiệm hiệu, quả năng lượng tại doanh nghiệp.
Sáu nội dung phân tích được hiển thị thành sáu cột trong ma trận EMM. Với từng nội dung theo mức độ hoàn thiện tại doanh nghiệp sẽ được đánh giá theo mức từ 0 đến 4. Các mức độ khác nhau chỉ ra tình trạng khác nhau của doanh nghiệp trong quản lý năng lượng.
Hình 1. Ma trận quản lý năng lượng
II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG TRONG MỘT SỐ DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP 
VIỆT NAM
Để đánh giá thực trạng công tác quản lý năng lượng trong các doanh nghiệp trọng điểm về sử dụng năng lượng, nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 8 doanh nghiệp trong các ngành nghề khác nhau của ngành công nghiệp. Kết quả điểm tổng kết khảo sát được tổng hợp như trong hình 2.
Hình 2. Kết quả điểm trung bình đánh giá hệ thống QLNL
Theo kết quả khảo sát từ 8 doanh nghiệp trọng điểm cho thấy mức độ điểm đánh giá bình quân cho sáu nội dung tại các doanh nhiệp là 1,92/4, mức điểm này gần đạt được ngưỡng trung bình theo thang điểm 4 trong ma trận quản lý năng lượng. Tuy nhiên trong 8 doanh nghiệp chỉ có 3 doanh nghiệp đạt được mức điểm trên trung bình và không doanh nghiệp nào đạt được 3/4 điểm, 5 doanh nghiệp có mức điểm thấp hơn 1,92 và doanh nghiệp có điểm thấp nhất là 1,50. Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm đã bắt đầu quan tâm đến quản lý năng lượng, đã có những động thái trong việc xây dựng mô hình quản lý năng lượng tại doanh nghiệp. Tuy nhiên mức độ thực hiện còn khá khiêm tốn, doanh nghiệp còn chưa thực hiện đúng, chưa thực đầy đủ theo quy định.
Chi tiết mức đánh giá theo từng nội dung được tổng hợp trong hình 3.
Hình 3. Kết qủa chi tiết khảo sát thực trạng quản lý năng lượng
Đường tổng kết số liệu khảo sát từ các doanh nghiệp (Đường trung bình-nét liền) cho thấy trong số sáu nội dung phân tích chỉ có hai nội dung là: Đo lường-giám sát và đầu tư là có mức kết quả trên trung bình. Bốn nội dung còn lại đều có mức điểm thấp hơn giá trị trung bình (2 điểm). Về cơ bản việc triển khải thực hiện xây dựng mô hình quản lý năng lượng trong các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định của luật là chưa thực sự hiệu quả, các doanh nghiệp chưa hiểu đúng hoặc chưa thực hiện đúng theo quy định. 
Chính sách năng lượng: Hầu hết các doanh nghiệp đã bắt đầu có những nhìn nhận về việc thực hiện tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp, tuy nhiên mới chỉ ở mức nhìn nhận. Các doanh nghiệp chưa đưa ra được các chỉ dẫn, chính sách, cam kết của lãnh đạo về tiết kiệm năng lượng bằng văn bản cụ thể và rõ ràng. Vì thế mức điểm trung bình các doanh nghiệp đạt được của nội dung này trong ma trận quản lý năng lượng chỉ đạt 1,4 điểm. Thấp nhất trong sáu nội dung của ma trận quản lý năng lượng.
Cơ cấu tổ chức: Mức điểm trung bình trong các doanh nghiệp được khảo sát chỉ đạt 1,8 điểm. Nguyên nhân chủ yếu là do, các doanh nghiệp chưa xác định được vai trò của người quản lý năng lượng trong doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có xây dựng ban quản lý năng lượng, bổ nhiệm người quản lý năng lượng nhưng chưa đúng theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo quy định của Luật: Người quản lý năng lượng phải có chứng nhận hành nghề của Bộ Công Thương, Ban quản lý năng lượng cần xác định các trung tâm sử dụng năng lượng, Xây dựng định mức năng lượng để thực hiện quản lý…Các nội dung này các doanh nghiệp đều thực hiện chưa tốt theo yêu cầu.
Động lực: Đây là tiêu chí có mức điểm đạt được là 1,8/4 kết quả này phản ánh mức độ tạo động lực trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng là chưa cao. Kết quả này phù hợp với thực tế khi doanh nghiệp chưa có chính sách năng lượng rõ ràng, chưa có bộ phận chịu trách nhiệm cụ thể thì không thể tạo động lực cho người lao động thực hiện tiết kiệm năng lượng. Trong số các doanh nghiệp khảo sát có 1 doanh nghiệp đạt mức điểm 3 trong nội dung này cùng với đó chính sách và cơ cấu tổ chức về năng lượng của doanh nghiệp này cũng đạt mức điểm lần lượt là 2 và 3 điểm.
Đo lường giám sát: Trong bốn nội dung trong ma trận quản lý năng lượng thì đây là nội dung được đánh giá là tốt nhất, với mức điểm đạt được trung bình là 2,6 điểm. Các doanh nghiệp đã có những nhìn nhận tích cực đến việc thực hiện quản lý về năng lượng sử dụng, việc đặt thiết bị đo kiểm, giám sát đã được triển khai khá tốt. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy tất cả các doanh nghiệp trong điểm về sử dụng năng lượng đã tiến hành lắp đặt các đồng hồ đo, giám sát tới từng khu vực sản xuất, từng thiết tiêu thụ nhiều năng lượng. Một trong tám doanh nghiệp được khảo sát đã có hệ thống đo đếm đến từng thiết bị sử dụng năng lượng, các dữ liệu được thu thập liên tục và truyền về hệ thống lưu trữ trung tâm. Với việc thực hiện tốt nội dung đo đếm, giám sát sẽ tạo tiền đề cho việc tìm kiếm và triển khai dự án tiết kiệm năng lượng.
Truyền thông: Đây là một nội dung quan trọng để nâng cao nhận thức của người lao động trong vấn đề thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.  Việc thực hiện truyền thông tốt sẽ góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng ở người lao động, đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết giúp người lao động hiểu và biết cách thực hiện tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên các doanh nghiệp hiện nay lại chưa nhận ra được vấn đề này, nên việc thực hiện tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng thông qua các khoá đào tạo, tập huấn, cuộc thi,…còn rất hạn chế. Mức điểm đánh giá nội dung này tại các doanh nghiệp mới chỉ đạt 1,6/4 điểm.  
Đầu tư: Với mức điểm nội dung này đạt 2,4/4 điểm cho thấy các doanh nghiệp đã có những động thái rất tích cực trong việc thực hiện đầu tư triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng. Với sự hỗ trợ 30% mức đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các doanh nghiệp đã có động lực và sự sẵn sàng trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng. Đầy là nội dung cần được thực sự lưu tâm để đưa việc thực hiện tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp được diễn ra liên tục và nhận được mức đầu tư phù hợp.
Kết quả khảo sát từ một số doanh nghiệp trọng điểm về sử dụng năng lượng cho thấy trong những năm qua sau khi có hành lang pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các doanh nghiệp đã lưu tâm và bắt đầu triển khai các nội dung thực hiện tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp. Các nội dung tác động trực tiếp đến sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp: Đầu tư thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng, xây dựng hệ thống giám sát năng lượng đã được các doanh nghiệp thực hiện tương đối bài bản và hiệu quả. Tuy nhiên các nội dung gián tiếp tác động vào sử dụng năng lượng: Xây dựng chính sách, Tổ chức quản lý, Tuyên truyền lại chưa được các doanh nghiệp nhìn nhận đúng đắn nên kết quả thực hiện còn rất khiêm tốn.
                                Dương Trung Kiên
Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng
Trường đại học Điện lực